10/08/2011 04:05 GMT+7

Phương án thi đổi mới toàn diện

LÊ THÙY DƯƠNG (ĐH Nông lâm TP.HCM)
LÊ THÙY DƯƠNG (ĐH Nông lâm TP.HCM)

TT - Tiếp tục các ý kiến về “Thi ĐH nhiều môn”, xin giới thiệu ý kiến của một giảng viên ĐH và một chuyên gia giáo dục.

Thi “3 chung” và “1 riêng”Sẽ thi đại học nhiều môn

Phương án thi “3 chung” và “1 riêng” của PGS Lê Đức Ngọc (Tuổi Trẻ 9-8) là phương án đổi mới thi tuyển sinh và tốt nghiệp THPT rất khoa học, toàn diện và triệt để, hoàn toàn khả thi, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện giáo dục ở nước ta hiện nay. Phương án thi này kết hợp được hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH trong một kỳ thi gọn nhẹ, đỡ tốn kém mà vẫn đảm bảo hai mục đích là đánh giá được trình độ HS đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp THPT và tuyển chọn, sàng lọc được HS có đủ năng lực, kiến thức vào học ở các trường ĐH, CĐ khác nhau.

Với phương thức thi mới này, HS muốn tốt nghiệp THPT sẽ phải học toàn diện hơn, tránh được tình trạng bỏ môn này hay môn kia theo từng năm như trước đây. Hình thức thi trắc nghiệm được áp dụng với tất cả các môn sẽ giúp việc chấm bài nhanh, gọn, chính xác và việc học các môn xã hội của HS cũng nhẹ nhàng hơn.

Về “1 riêng” cho việc tuyển sinh đào tạo ĐH, CĐ đã thoát khỏi khung cứng nhắc của các khối thi A, B, C, D... Theo phương thức này, mỗi trường có thể tự xây dựng điểm chuẩn tuyển sinh các môn cho trường mình theo yêu cầu đặc thù của từng trường. Bộ GD-ĐT chỉ cần quy định số lượng môn tối thiểu xét tuyển. Ví dụ: ĐH Kinh tế theo phương thức tuyển sinh này có thể tuyển chọn thí sinh dựa vào điểm các môn toán, văn, ngoại ngữ, địa lý sẽ phù hợp hơn dựa vào điểm ba môn toán, lý, hóa như hiện nay.

Tuy nhiên, để phương thức thi “3 chung” và “1 riêng” này đạt hiệu quả như mong muốn, Bộ GD-ĐT cần sớm có quyết định cụ thể và triển khai các biện pháp chuẩn bị: công bố quyết định chính thức và lộ trình thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như phổ biến tới các sở GD-ĐT, các trường THPT ít nhất ba năm trước khi đưa vào thực hiện; việc ra đề thi và xây dựng ngân hàng đề thi phải được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, bài bản và khoa học sao cho đề thi trắc nghiệm ở tất cả các môn học đều đánh giá được trình độ HS ở nhiều cấp độ khác nhau; các trường ĐH, CĐ cần rà soát chương trình, yêu cầu đào tạo của mình để đưa ra phương án tuyển chọn HS phù hợp nhất. Phương án tuyển chọn này phải được công bố công khai từ đầu năm học.

Địa điểm thi và công tác coi thi cũng là vấn đề cần phải bàn khi thực hiện kỳ thi “3 chung” và “1 riêng” này. Sở dĩ các trường ĐH, CĐ không tin tưởng và không muốn tuyển chọn HS dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT vì công tác coi thi tốt nghiệp phổ thông hiện nay ở nhiều nơi, nhiều tỉnh thành còn chưa thật sự nghiêm túc, kết quả thi chưa phản ánh đúng trình độ, thực lực của HS. Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD-ĐT cần có phương án cụ thể phối hợp công tác coi thi giữa các trường ĐH, CĐ và các địa phương tổ chức thi, tổ chức thanh tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính nghiêm minh của kỳ thi.

TS Vũ Thị Phương Anh (nguyên giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP.HCM):

Chỉ cần một kỳ thi

Việc tổ chức hai kỳ thi cấp quốc gia chỉ cách nhau một thời gian ngắn như hiện nay gây tốn kém, áp lực cho toàn xã hội mà lại không đạt hiệu quả như mong muốn. Nhưng nếu tổ chức thi ĐH với nhiều môn cũng không ổn. Theo tôi, chỉ cần tổ chức một kỳ thi cấp quốc gia nhưng phải làm cho tử tế. Kỳ thi này có thể hiểu như một kỳ thi tốt nghiệp THPT, bao gồm năm môn sau: toán, ngôn ngữ (kỹ năng lập luận, viết lách...), ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (một bài thi có thể bao gồm các kiến thức về lý, hóa, sinh), khoa học xã hội (một bài thi có thể bao gồm các kiến thức về sử, địa, chính trị...).

Sau kỳ thi này, Bộ GD-ĐT sẽ xác định điểm sàn, những thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên coi như đủ năng lực học ĐH. Những thí sinh dưới điểm sàn có thể theo con đường phân luồng vào học trường nghề. Tùy đặc thù của từng trường ĐH, các trường sẽ sử dụng điểm của kỳ thi quốc gia này để xét tuyển hoặc tự tổ chức thi tuyển với những môn do chính các trường tự đặt ra sao cho phù hợp với nhu cầu đào tạo.

Chứ như hiện nay, tôi có cảm giác các trường ĐH chưa tuyển được SV đáp ứng đúng với nhu cầu đào tạo của mình. Ví dụ như ngành tiếng Anh: thí sinh thi khối D với bài thi môn tiếng Anh trên giấy thì trường ĐH không thể tuyển đúng đối tượng. Một số em khi đã thi đậu vào ngành này chúng tôi mới phát hiện em bị ngọng. Nếu được phép, chỉ cần trường ĐH tổ chức thi thêm một môn nghe - nói là ổn.

LÊ THÙY DƯƠNG (ĐH Nông lâm TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên