27/03/2011 06:05 GMT+7

Tháo gỡ rào cản cho hiệu trưởng

PHÚC ĐIỀN
PHÚC ĐIỀN

TT - “Hiệu trưởng các trường ở Việt Nam phải lo mọi chuyện từ A-Z, từ chuyện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đời sống giáo viên... đến cả công tác PR, quảng bá cho trường mình”.

RMnz54gI.jpgPhóng to

Thầy Trần Mậu Minh (bìa phải) - hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM - trao đổi với phụ huynh việc học hành của học sinh lớp 9. Thầy là một trong những hiệu trưởng có nhiều sáng kiến đổi mới - Ảnh: Như Hùng

Đó là nhận định của ThS Nguyễn Hoài Chương, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, tại hội thảo “Người hiệu trưởng trong đổi mới quản lý giáo dục” do Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận, TP.HCM tổ chức sáng 26-3. Đi kèm với những trọng trách xã hội là vô vàn khó khăn, nhiều rào cản đối với họ...

Áp lực từ nhiều phía

Tại hội thảo, cô Nguyễn Thị Minh Châu - hiệu trưởng Trường tiểu học Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận - nêu thực tế: “Vấn đề tồn đọng khá lâu trong giáo dục là việc tuyển dụng, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý không đúng vị trí. Thế nên mới xảy ra tình trạng cán bộ chỉ “hồng” mà không “chuyên”. Một số nơi có kiểu bố trí cán bộ theo mối quan hệ hơn là năng lực, phẩm chất. Hai kiểu này đều dẫn tới những hạn chế trong quản lý và chậm tiến bộ đổi mới. Việc không chịu đổi mới tại các trường hiện nay còn thể hiện ở chỗ: phân cấp không triệt để, đổi mới chỉ diễn ra trên giấy, dừng lại ở cấp UBND quận huyện, còn nhà trường thì thiếu chủ động”.

Giáo viên mong đợi gì ở hiệu trưởng?

Mong mỏi lớn của giáo viên đối với người hiệu trưởng là việc đổi mới quản lý phải làm cho thu nhập của họ tăng lên. Kế đến là việc ổn định đời sống giáo viên, giảm áp lực công việc và phát triển năng lực giảng dạy của giáo viên. Đây là kết quả khảo sát của ThS Phan Tấn Chí đối với 480 giáo viên tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Kiên Giang.

ThS Chí nêu giải pháp: “Hiệu trưởng phải tiết kiệm trong sử dụng nguồn thu, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ bên ngoài, cần giảm bớt hội họp và các thủ tục rườm rà, cải tiến chế độ thông tin trong nhà trường để kịp thời nghe các ý kiến phản hồi của giáo viên...”.

Theo ThS Phan Tấn Chí - phó trưởng khoa cơ sở Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM: “Lâu nay, hiệu trưởng các trường bị chi phối và chịu áp lực từ nhiều phía để đuổi theo kết quả là tỉ lệ tốt nghiệp qua các kỳ thi cuối cấp. Các trường đang gặp rào cản từ phía học sinh khi học sinh ngày càng có nhiều hành vi lệch chuẩn, xem việc học để hiểu biết không quan trọng bằng học để thi. Hiệu trưởng có dám làm khác xu thế này không?”.

Trong khi đó, ngay cả vấn đề tự chủ tài chính trong nhà trường hiện chỉ mới thực hiện ở các trường THPT. Còn bậc THCS, tiểu học chưa tự chủ được dẫn đến lương, thưởng cho giáo viên rất thấp.

“Một số hiệu trưởng chưa nhìn nhận rõ quan điểm mới về quản lý nhà trường, vẫn quản lý bằng mệnh lệnh, hành chính theo phương thức một chiều. Chưa chú ý đến sự phát triển năng lực của giáo viên, học sinh. Chưa thật sự chủ động, tự chịu trách nhiệm, vẫn chờ đợi sự chỉ đạo từ cơ quan cấp trên” - ThS Dương Thái Thanh Nhàn, chuyên viên Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận, đưa ra ý kiến.

Chân dung hiệu trưởng thời kỳ mới

TS Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM, đã “vẽ” lên bức chân dung người hiệu trưởng trong thời kỳ mới: “Hiệu trưởng cần được trang bị kỹ năng mềm để có đủ tự tin điều hành nhà trường như một doanh nghiệp nhưng không làm mất bản sắc nhà trường phổ thông. Người hiệu trưởng cần đẹp hơn, uy nghi hơn, hoạt bát hơn, lưu loát hơn, lạc quan hơn, tự chủ hơn, độc lập hơn... và đặc biệt phải giàu có hơn để có đủ tâm sức, tư duy hành động với ưu thế của một nhà quản trị hiện đại”.

Cô Võ Thị Hạnh Thảo - hiệu trưởng Trường tiểu học Cao Bá Quát, Q.Phú Nhuận - cho rằng để đổi mới quản lý giáo dục từ cơ sở cần phải gỡ bỏ nhiều mối ràng buộc. Hiệu trưởng nên giao quyền tuyệt đối cho giáo viên trong việc lựa chọn phương pháp giảng dạy vì không ai hiểu rõ học sinh bằng chính họ. Cũng không ai hiểu rõ những người thầy bằng chính những người thầy trong việc xác định điểm mạnh, điểm yếu của họ.

“Tiếp theo là cần dỡ bỏ áp lực chạy theo chương trình. Ai cũng biết việc chạy theo thành tích ảnh hưởng đến chất lượng và phương pháp giảng dạy của người thầy, nếu không muốn nói việc ấy gián tiếp cổ vũ việc đọc chép trên lớp. Nên lấy hiệu quả tiết dạy và quá trình tiến bộ của học sinh làm cơ sở đánh giá giáo viên. Thêm nữa, cần xem lại việc lạm dụng bài giảng điện tử. Đây là phương pháp dạy học hiện đại nhưng hệ quả là tạo ra hàng loạt bài giảng giống nhau bất kể trình độ học sinh - điều đại kỵ trong giáo dục” - cô Thảo khẳng định.

PHÚC ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên