05/01/2011 06:24 GMT+7

Sáng kiến, kinh nghiệm: chuyện nhỏ

LÊ H. (Tiền Giang)
LÊ H. (Tiền Giang)

TT - 22 ý kiến của giáo viên đã gửi về viết tiếp câu chuyện “Sáng kiến, kinh nghiệm đi đâu?” trên Tuổi Trẻ ngày 30-12-2010. Các giáo viên đề nghị các cơ quan quản lý sớm có giải pháp chấm dứt tình trạng này.

Sáng kiến kinh nghiệm đừng trở thành khiên cưỡngSáng kiến, kinh nghiệm của giáo viên giỏi đi đâu?

zT1icYtG.jpgPhóng to

Năm 2000, sau hơn 20 năm giảng dạy, tôi đăng ký và viết một đề tài sáng kiến kinh nghiệm về “Đổi mới phương pháp giảng dạy bộ môn”. Gọi là sáng kiến kinh nghiệm tôi thấy ngại nên chỉ ghi tựa là “Đề tài tổng kết kinh nghiệm”. May mắn, đề tài này đạt loại B cấp tỉnh. Ba năm sau, tôi gửi tiếp một tổng kết kinh nghiệm khác với đề tài “Làm công tác chủ nhiệm trong trường trung học”.

Để có đề tài này tôi phải xin ban giám hiệu cho tôi làm giáo viên chủ nhiệm một lớp suốt từ lớp 10 đến lớp 12. Nghĩa là ngoài kinh nghiệm tích lũy bao nhiêu năm, tôi phải mất ba năm để làm đề tài này. Đề tài đạt loại A cấp tỉnh, giải khuyến khích Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Tiền Giang năm 2003. Tất nhiên hai đề tài này của tôi cũng “đi đâu” không biết.

Nhưng từ đó về sau tôi bí. Trong khi đó nhiều đồng nghiệp của tôi, có người mới ra trường vài năm mà năm nào cũng có sáng kiến kinh nghiệm dù chưa ai có đề tài xếp loại A, loại B cấp tỉnh như tôi. Thật đáng khâm phục.

Tôi lại đi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm viết sáng kiến kinh nghiệm của các đồng nghiệp. Thật phong phú, có nhiều chiêu thức độc đáo để làm sáng kiến kinh nghiệm. Xin giới thiệu dưới đây vài chiêu thức cơ bản.

Chiêu thứ nhất: xào, nêm lại của người khác

Khi Internet chưa phổ biến rộng rãi, phải biết chịu khó đi xin đề tài của người khác đã được công nhận, xếp loại rồi về “xào xáo, nêm nếm” lại. Để có thể đạt loại A cấp trường chỉ cần xin của ai đó ở một trường khác trong huyện. Nếu muốn được lọt vào nhóm đề tài được xếp loại (A, B, C) cấp huyện (tỉnh) thì phải tìm người ở ngoài huyện (tỉnh) mà xin.

Khi Internet đã phổ biến, trên mạng có vô số sáng kiến kinh nghiệm, chẳng biết có được cấp nào xét, công nhận hay không cứ tha hồ tải về. Hơn nhau ở trình độ “xào xáo, nêm nếm”. Mà ở cấp trường thì cứ yên tâm, có viết, viết dài đủ và vượt số trang tối thiểu theo quy định, trình bày đúng hình thức và đẹp là chắc chắn được xếp loại A. Ít thấy được thẩm định.

Chiêu thứ hai: biến tấu của chính mình

Có một quy định: giáo viên được quyền sử dụng đề tài sáng kiến kinh nghiệm năm trước của mình để chỉnh sửa, bổ sung, xem như một đề tài mới. Dại gì không làm mà bỏ công sức viết cái mới.

Thế nhưng thật bi hài, có trường hợp một giáo viên viết một đề tài sáng kiến kinh nghiệm, năm thứ nhất được xếp loại B cấp phòng (huyện), năm sau giáo viên này chỉnh sửa, bổ sung theo nhận xét của hội đồng khoa học năm trước lại được xếp loại C. Năm thứ ba, tiếp tục chỉnh sửa cũng chỉ được xếp loại C, có điều điểm chấm ít hơn(!?).

Nhưng chẳng sao, ở cấp trường thì đương nhiên loại A rồi, còn cấp trên thì loại gì cũng được, điều quan trọng là “có sáng kiến kinh nghiệm” là đủ tiêu chuẩn để công nhận chiến sĩ thi đua hoặc giáo viên giỏi cấp cơ sở.

Chiêu thứ ba: hùn vốn

Quy định cho phép nhiều người cùng nghiên cứu và viết một đề tài sáng kiến kinh nghiệm. Chuyện này không có gì lạ trong nghiên cứu khoa học. Nhưng ở đây vấn đề đã khác. Do bệnh thành tích mà sinh ra chuyện “hùn vốn” để viết đề tài sáng kiến kinh nghiệm.

Nói là hùn vốn vì không phải một nhóm người cùng nghiên cứu, cùng thực hiện, cùng viết mà mỗi năm một người viết một đề tài (có thể là theo hai chiêu thức trên) nhưng cả nhóm cùng đứng chung tên tác giả, cứ luân phiên như thế.

Có chuyện ở một trường THPT nọ, ba chị em cùng công tác chung, một người làm nhân viên thư viện, một người phụ trách công tác công đoàn và người còn lại làm công tác quản sinh. Thế mà năm nào ba chị em cũng cùng đứng tên một sáng kiến kinh nghiệm.

Còn những chiêu thức khác chẳng hạn như đi mua, nhờ người khác viết...

Với những chiêu thức trên đây thì chuyện một giáo viên mỗi năm có thể viết một sáng kiến kinh nghiệm không còn là chuyện lớn, chuyện khó. Nếu có điều kiện thống kê trên phạm vi cả nước thì mỗi năm có lẽ riêng ngành giáo dục phải có đến hàng trăm ngàn sáng kiến kinh nghiệm được xét và công nhận ở các cấp. Tất nhiên, chi phí cho chuyện viết, in ấn, xét duyệt và khen thưởng cũng không phải ít.

Dạy học là một quá trình sáng tạo liên tục, trong số hàng triệu giáo viên có những người đã có những sáng kiến và kinh nghiệm hết sức độc đáo cần được phổ biến nhân rộng. Việc khuyến khích những cá nhân và tập thể đúc kết những sáng tạo độc đáo, viết và phổ biến những sáng kiến kinh nghiệm là hết sức cần thiết để không ngừng nâng cao chất lượng công tác và giảng dạy.

Nhưng thực tế hiện nay cho thấy việc viết sáng kiến kinh nghiệm chỉ nhằm đạt danh hiệu thi đua, đó là một sự biến tướng đáng sợ, cần thiết phải có sự nhìn nhận nghiêm túc và điều chỉnh kịp thời.

Nằm trong tủ

Đọc bài “Sáng kiến, kinh nghiệm đi đâu?”, tôi rất mừng vì tác giả đã nói lên sự thật, điều bức xúc của giáo viên không phải chỉ riêng ở TP.HCM, mà còn là tình hình chung ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Là một giáo viên hiện đang trực tiếp giảng dạy tại một trường THCS ở tỉnh Khánh Hòa, tôi cảm thấy rất buồn tại sao chúng tôi được xã hội tôn trọng là tầng lớp trí thức nhưng việc làm của chúng tôi là hình thức. Sáng kiến, kinh nghiệm sau khi được hội đồng khoa học các cấp xét công nhận rồi tất cả được cất kỹ trong tủ, đánh dấu sự chấm hết con đường đi của sáng kiến, kinh nghiệm.

Phải chăng đây là một sự lãng phí rất lớn về thời gian, công sức... của biết bao giáo viên. Việc làm này của các nhà quản lý giáo dục đã đi ngược lại phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

Tại sao chúng ta biến tâm huyết của giáo viên trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy trở thành một thủ tục trong đánh giá thi đua? Tôi mong rằng các cấp quản lý ngành giáo dục sớm có kế hoạch chấm dứt bệnh hình thức, thành tích này.

LÊ H. (Tiền Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên