06/06/2010 06:50 GMT+7

Khi tội ác được "nâng cấp" - Nguyễn Quang Thân

NGUYỄN QUANG THÂN
NGUYỄN QUANG THÂN

TTCT - Hiện tượng tội phạm là kẻ có học, với những tình tiết hết sức dã man, có tính toán và đầy thủ đoạn xuất hiện với tần suất ngày càng nhặt hơn. Điều đó làm bất ngờ những lý giải khá phổ biến là người ta phạm tội vì thất học và nghèo khổ. Tội ác càng đáng ghê tởm hơn khi phạm tội dã man không phải để kiếm miếng cơm hằng ngày mà để ăn chơi, và kẻ thủ ác có đầu óc biết thi thố những thủ đoạn tinh vi để che giấu tội lỗi.

570rCTmo.jpgPhóng to
Ảnh: LYVO

Sự dã man không chỉ là giết người hay chặt đầu, đốt xác. Học trò rút thắt lưng đánh thầy phải đi bệnh viện, thầy bắt học trò liếm ghế, hiệu trưởng bị nghi là mua dâm và môi giới bán dâm chính học sinh của mình, mấy anh em nhà nọ có trình độ đại học, thậm chí có người là giảng viên đại học, đang tâm hành hạ người mẹ đẻ... Những tội ác do những kẻ được coi là “trí thức” ấy gây ra tuy không có đầu rơi máu chảy nhưng không kém dã man, nếu hiểu dã man là gần gụi với ác thú mà xa lạ với con người.

Xưa bà mẹ thầy Mạnh Tử đã phải đổi nhà bỏ chợ đến ở gần trường để dạy con nên người. Vậy mà những kẻ thủ ác dã man ấy đều từng nhiều năm được học hành tử tế, là những kẻ đang dạy học, hoặc tội ác lại xảy ra chính ngay trong nhà trường! Thật khó bào chữa khi kẻ gây tội ác dã man là học sinh, sinh viên và cả thầy giáo ngày càng tăng và nhiều chuyện khó tin đã xảy ra không phải ở chợ, ở sòng bạc hay sào huyệt bọn mua bán ma túy mà ngay trong nhà trường.

Đổ lỗi cho đồng tiền, khi tất cả mọi người đều muốn làm giàu và muốn có nhiều tiền bằng mọi giá, kể cả phạm tội dã man cũng không sai. Đổ lỗi cho phim ảnh, game đã làm thay đổi tâm lý con người, khuyến khích làm quen với mọi “cảm giác mạnh”, kể cả “cảm giác thú dữ” cũng khó cãi.

Một số loại báo chí, cả báo giấy lẫn báo mạng, đã quá coi trọng khai thác tội ác và chuyện giật gân để kiếm tiền cũng góp phần khi giúp những độc giả có học “làm quen” và “cập nhật” với cấp độ tội ác cũng như thủ đoạn tinh vi nhất để che giấu hành vi phạm tội ở trong nước và thế giới. Đọc mãi những tờ báo đó mọi người cảm thấy thế giới này có quá nhiều tội phạm và nếu như bản thân mình có phạm tội thì chẳng có gì ghê gớm.

Đáng sợ nhất là thói dã man và thú tính từ thế giới ảo, thậm chí từ óc tưởng tượng của các tác giả game, phim ảnh, tiểu thuyết, được kéo gần lại với hành động thật trong đời.

Lương tri của con người luôn bị đặt trước những thử thách của cuộc sống và không phải bao giờ lương tri cũng thắng. Cho nên trách nhiệm lớn nhất tuy vẫn thuộc về nền giáo dục vì nhà trường là nơi rèn giũa cho lớp trẻ một lương tri đủ mạnh để thắng mọi cám dỗ và sai lạc khi vào đời, nhưng suy cho cùng nhà trường cũng chỉ là một phần của xã hội.

Việc dạy đạo đức cho trẻ trong nhà trường của chúng ta thiếu thiết thực và hiệu quả đang được mổ xẻ. Nhưng đổ lỗi cho môn học đạo đức là chưa đúng và chưa đủ. Đạo đức của một con người cũng như toàn xã hội phải được dạy dỗ và thiết lập bằng hành vi gương mẫu và pháp luật nghiêm minh.

Trong mỗi gia đình, trẻ con học đạo đức từ trong bào thai, trong hành vi của bố mẹ và ông bà, là gia phong, truyền thống.

Trong xã hội, đạo đức phải được thiết lập bằng pháp luật và kỷ cương nghiêm minh, cấp dưới nhìn vào hành vi chứ không phải lời nói của cấp trên để hành động. Hễ người trên thiếu gương mẫu, nói và dạy dỗ một đằng, làm một nẻo, pháp luật không được thực thi nghiêm minh, thói giả dối và gian dối lan tràn thì tất kỷ cương rối loạn và người dưới mất niềm tin, lý tưởng sống bị khủng hoảng, tội ác nảy sinh.

Nâng cao nhận thức, học tập đạo đức là cần thiết nhưng chỉ có pháp trị mới có thể ngăn chặn hiệu quả nguồn gốc chủ yếu của tội ác là sự thiếu gương mẫu và thói giả dối.

Liệu chúng ta có thể nhắm mắt làm quen, để rồi làm ngơ với tội ác mỗi ngày được “nâng cấp” đến mức khó tin và khó tưởng tượng được như đang xảy ra hôm nay?

NGUYỄN QUANG THÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên