08/02/2009 15:41 GMT+7

"Chuẩn 5 sao" cho trẻ 5 tuổi

Theo YẾN ANH - Người lao động
Theo YẾN ANH - Người lao động

Chỉ đúng một ngày sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra bản dự thảo bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, rất nhiều giáo viên, phụ huynh, chuyên gia tâm lý mầm non đã lên tiếng góp ý cho dự thảo này. Người đồng tình không ít, song người phản biện cũng nhiều.

C6xKvhWO.jpgPhóng to
Trẻ em rất cần được vui chơi hồn nhiên - Ảnh: P.Q.
Chỉ đúng một ngày sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra bản dự thảo bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, rất nhiều giáo viên, phụ huynh, chuyên gia tâm lý mầm non đã lên tiếng góp ý cho dự thảo này. Người đồng tình không ít, song người phản biện cũng nhiều.

Bộ chuẩn bao gồm 29 chuẩn với 125 chỉ số sự phát triển của trẻ 5 tuổi theo bốn lĩnh vực phát triển: nhận thức, tình cảm và quan hệ xã hội, ngôn ngữ và giao tiếp, nhận thức và sẵn sàng với việc học. Mỗi lĩnh vực phát triển bao gồm các chuẩn phản ánh nội dung của lĩnh vực, trong mỗi chuẩn có các chỉ số phản ánh nội dung của chuẩn.

Phải “ngạc nhiên, sung sướng” trước một bức tranh?

Chị Hoàng Yến, cán bộ quận ủy quận Thanh Xuân - Hà Nội, có con 5 tuổi đang học mầm non cho biết, vì con chị sắp vào lớp 1 nên chị rất quan tâm đến bộ chuẩn mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Tuy nhiên, theo chị Yến, nếu đối chiếu bộ chuẩn này với con chị cũng như các cháu 5 tuổi khác thì thấy không ít tiêu chí chưa phù hợp.

Rất nhiều chuẩn các cháu đạt được khá dễ dàng như cài và mở được cúc áo, kể được tên một số thực phẩm (hoặc món ăn) cần có trong bữa ăn hằng ngày, biết rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi tay bẩn, nói được họ và tên, địa chỉ nhà hoặc số điện thoại, tên bố, mẹ của mình...

Tuy nhiên, với các chuẩn như phải biết được công dụng và chất liệu của các đồ dùng thông thường trong sinh hoạt hằng ngày, dự đoán một số hiện tượng tự nhiên đơn giản (mưa, nắng, gió...) sắp xảy ra, thể hiện cảm xúc (sờ, ngắm nhìn, ngạc nhiên, sung sướng...) trước vẻ đẹp của thiên nhiên và sản phẩm tạo hình; hoặc thể hiện cái mới, độc đáo trong trò chơi, trong tạo hình, âm nhạc... thì không phải cháu nào cũng đạt được.

Rất nhiều chuẩn trong bộ chuẩn này phụ thuộc vào năng khiếu cũng như thói quen, đặc điểm riêng biệt của từng cháu, thậm chí là phụ thuộc vào giới tính của trẻ. Ngay cả người lớn cũng có người yêu hội họa, người không, thì làm sao yêu cầu được trẻ con phải “ngạc nhiên, sung sướng” trước một bức tranh hay tác phẩm điêu khắc được?!

maJAHw7I.jpgPhóng to
JGuiYRQN.jpg
"Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan" (Hồ chủ tịch)

Trên thực tế, theo bà Phạm Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non thực hành Hoa Sen, Hà Nội, trong một lớp luôn có những trẻ nhanh nhẹn cả về tư duy cũng như phát triển về thể chất, trong khi đó cũng có nhiều trẻ khác không phát triển bằng các bạn. Nếu áp dụng bộ chuẩn này và đánh giá mức độ đạt chuẩn bằng cách cho điểm như yêu cầu của Bộ GD-ĐT có thể sẽ dẫn đến những lo lắng, áp lực cho cả học sinh lẫn phụ huynh. Đó là chưa kể nếu trường quá đông, mỗi lớp có từ 50-60 cháu thì các cô khó có thể đánh giá thực chất, vì không có thời gian để đánh giá cụ thể.

Thêm vào đó, theo một giáo viên mầm non xin được giấu tên, việc lưu giữ kết quả đánh giá trong hồ sơ cá nhân của trẻ còn dẫn đến cả bệnh thành tích trong giáo dục mầm non, làm các em mất đi sự hồn nhiên của mình. Thực tế, chẳng giáo viên nào muốn trong lớp mình có nhiều em “không đạt chuẩn” vì sẽ ảnh hưởng đến thành tích thi đua của cả lớp, cả trường. Một nhà giáo mầm non lâu năm trong nghề cho rằng nếu một trẻ 5 tuổi đạt chuẩn như trong hội thảo của Bộ GD-ĐT thì đó có lẽ là “trẻ 5 sao”!

Rườm rà, không sát thực tế

Theo bộ GD-ĐT, mục đích của bộ chuẩn cho trẻ 5 tuổi này là làm căn cứ cho việc điều chỉnh và phát triển chương trình giáo dục mầm non, chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non, xây dựng các tài liệu có liên quan đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Ngoài ra, căn cứ vào bộ chuẩn này, các giáo viên sẽ điều chỉnh kế hoạch, nội dung giáo dục, lựa chọn biện pháp tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp.

Với mục đích trên, bộ chuẩn phải là một bộ tiêu chí được xây dựng khoa học và Bộ GD-ĐT cần phối hợp với các cơ quan nghiên cứu về sức khỏe, dinh dưỡng và tâm sinh lý trẻ để đưa ra những con số khảo sát thực tế, từ đó đưa ra một số chỉ tiêu mang tính tổng quát. Bà Trần Thị Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen, Hà Nội, cho rằng chuẩn phát triển của trẻ cần phải dựa trên các cơ sở khoa học thì mới có thể có được những đánh giá chính xác.

H9Jkelak.jpgPhóng to
Phụ huynh thời nay rất chăm sưu tầm cho con các lọai đồ chơi phát triển trí tuệ, nhưng chắc cũng phải "choáng" khi đọc các tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục

Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều giáo viên mầm non, bộ chuẩn mà Bộ GD-ĐT dự kiến ban hành quá rườm rà, không sát với thực tế. Đơn cử, dự thảo đưa ra những tiêu chí đánh giá về thể chất nhưng lại không có các thông số tối thiểu về chiều cao, cân nặng của bé trai, bé gái theo chuẩn quy định.

Thêm vào đó, bộ chuẩn mà Bộ GD-ĐT dự kiến đưa ra lại có những tiêu chí khá khó để đánh giá, như không đi theo và nhận quà của người lạ hay yêu cầu biết địa chỉ hay số điện thoại nhà riêng... Thực ra, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào việc phụ huynh có dạy cho các cháu không, chứ cô giáo khó mà làm được. Bộ chuẩn còn đưa ra tiêu chí trẻ phải giữ đầu tóc gọn gàng, quần áo sạch sẽ, không tự ý sử dụng những đồ vật gây nguy hiểm (dao, đinh, kim tiêm, ổ điện, diêm, bật lửa, phích nước sôi...).

Theo một giáo viên mầm non, vì trẻ rất ưa hoạt động, chạy nhảy nên rất khó có thể giữ đầu tóc gọn gàng, quần áo sạch sẽ. Vả lại, trẻ rất hiếu động, tò mò, đặc biệt là các bé trai, nên để các bé hiểu và không sờ vào bật lửa, dao, đinh hoàn toàn không dễ dàng...

Ngay khi bản dự thảo bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi được ban hành, phóng viên đã không ít lần liên lạc với lãnh đạo Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT để tìm hiểu về cơ sở khoa học của bộ chuẩn này nhưng đều bị từ chối với lý do bận họp và không hẹn trước. Còn theo ông Văn Đình Ưng, Phó chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT, bộ chuẩn đã được tiến hành xây dựng từ năm 2005. Để đưa ra được dự thảo này, bộ đã tổ chức các hội thảo, tham khảo các dự án, đề án của nước ngoài. Bộ GD-ĐT sẽ sớm có câu trả lời chính thức về cơ sở khoa học, quá trình xây dựng dự thảo bộ chuẩn.

Không nhất thiết phải có một bộ chuẩn

TS Lã Bắc Lý, Khoa Sư phạm mầm non Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng không nhất thiết phải có một bộ chuẩn đánh giá trẻ 5 tuổi với nhiều tiêu chí như thế. Theo TS Lý, mỗi đứa trẻ có một đặc điểm riêng, có thể cháu này phát triển ca múa, cháu kia phát triển về lĩnh vực khác, nên đối chiếu theo bộ chuẩn có thể dẫn đến việc đánh giá khiên cưỡng. Hiện nay, để đánh giá sự thông minh của trẻ, các nhà tâm lý đã đưa ra chỉ số IQ; còn về thể lực thì các chuyên gia dinh dưỡng, y tế đã có những chỉ số về chiều cao, cân nặng, vì thế thêm một bộ chuẩn nữa là không cần thiết.

H.Dung ghi

Dự thảo Bộ chuẩn phát triển cho trẻ năm tuổi

Lĩnh vực phát triển thể chất

a) Bật xa tối thiểu 50cm bằng hai chân; b) Nhảy xuống từ độ cao 40cm và tiếp đất an toàn;c) Ném và bắt được bóng (đường kính 15cm) bằng hai tay;d) Trèo lên và xuống được ít nhất 5 bậc thang luân phiên từng chân;đ) Chạy 18m với thời gian nhiều nhất 5 giây;e) Chạy liên tục 150m không tính thời gian (không bỏ cuộc giữa chừng).

a) Nhảy lò cò được ít nhất 5 bước liên tục, đổi được chân theo yêu cầu;b) Đi giật lùi được ít nhất 5m theo hướng thẳng;c) Đi được thăng bằng trên ghế thể dục (2m x 0,35 x 0,25 cm).

a) Cài và mở được cúc áo; b) Tô màu được hình có chi tiết nhỏ ( tô kín, không chờm ra ngoài nét vẽ);c) Cắt được theo đường thẳng và cong của các hình đơn giản;d) Dán các hình chi tiết vào đúng vị trí cho trước, không bị nhăn;đ) Cầm bát, thìa xúc ăn gọn gàng, không làm rơi vãi;e) Rót nước vào cốc không làm đổ ra ngoài.

a) Biết một số hoạt động của bản thân trẻ trong sinh hoạt hàng ngày có lợi cho sức khỏe, sự lớn lên và phát triển của cơ thể (VD: đánh răng, tắm rửa, ăn uống, ngủ nghỉ, thể dục…);

b) Kể được tên một số thực phẩm (hoặc món ăn) cần có trong bữa ăn hàng ngày;

c) Biết một số hành vi ăn uống có hại cho sức khỏe (ăn thức ăn ôi thiu, thức ăn không vệ sinh, ăn rau quả chưa rửa sạch, uống nước lã);

d) Biết thuốc lá có hại cho sức khỏe và thể hiện thái độ không đồng tình với người hút thuốc;

e) Biết che miệng khi ho, hắt hơi, ngáp.

a) Biết rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi tay bẩn;b) Có thói quen rửa mặt, đánh răng hàng ngày;d) Biết chọn quần áo phù hợp với thời tiết;e) Giữ đầu tóc gọn gàng, quần áo sạch sẽ.

a) Biết kêu cứu khi gặp nguy hiểm;

b) Nhận biết và không tự ý sử dụng những đồ vật gây nguy hiểm (dao, đinh, kim tiêm, ổ điện, diêm, bật lửa, phích nước sôi…) ;

c) Không đi theo và nhận quà của người lạ khi chưa được người thân cho phép;

d) Biết ý nghĩa và có ý thức thực hiện theo quy định của một số biển báo giao thông, biển báo nơi nguy hiểm.

Lĩnh vực phát triển tình cảm và quan hệ xã hội

a) Nói được họ và tên, địa chỉ nhà hoặc số điện thoại, tên bố, mẹ của mình;b) Biết mình là trai hay gái và có ứng xử phù hợp;c) Nói được khả năng của bản thân (những việc có thể làm được, không thể làm được); d) Biết đề xuất những trò chơi và hoạt động thể hiện sở thích của cá nhân.

a) Chấp nhận và cố gắng thực hiện công việc được giao;b) Hài lòng khi hoàn thành công việc;

c) Chủ động và độc lập trong một số hoạt động đơn giản hằng ngày (vệ sinh cá nhân, chuẩn bị cho giờ học, trực nhật lớp...);

d) Mạnh dạn bày tỏ ý kiến của bản thân.

a) Nhận biết trạng thái cảm xúc vui, buồn, tức giận, sợ hãi, ngạc nhiên, xấu hổ của người khác;

b) Biết bộc lộ cảm xúc vui, buồn, tức giận, sợ hãi, ngạc nhiên, xấu hổ; c) Biết an ủi hoặc chia vui với người thân và bạn bè;

d) Quan tâm, thích thú đối với các hiện tượng trong thiên nhiên (đời sống của động vật, thực vật và sự thay đổi của chúng);

đ) Thích chăm sóc cây cối, con vật thân thuộc;e) Thay đổi hành vi và thể hiện cảm xúc phù hợp với hoàn cảnh; g) Cố gắng kiềm chế những cảm xúc tiêu cực (ăn vạ, gào khóc, ném đồ chơi...).

a) Dễ hòa đồng với bạn trong nhóm chơi; b) Chủ động giao tiếp với bạn và người lớn gần gũi;c) Chia sẻ cảm xúc, kinh nghiệm và đồ chơi với bạn;d) Sẵn sàng giúp đỡ khi bạn gặp khó khăn;đ) Có nhóm bạn chơi thường xuyên;e) Tuân theo thứ tự luân phiên khi tham gia vào các hoạt động.

a) Biết lắng nghe ý kiến của bạn;b) Biết trao đổi ý kiến của mình với các bạn; c) Biết tìm cách để giải quyết mâu thuẫn (dùng lời, nhờ sự can thiệp của người khác, chấp nhận sự thỏa hiệp);d) Chấp nhận sự phân công của nhóm; đ) Sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đơn giản cùng người khác.

a) Biết được hành động hoặc việc làm của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào;b) Có thói quen chào hỏi, xưng hô lễ phép với người lớn, cảm ơn, xin lỗi...;c) Biết đề nghị sự giúp đỡ của người khác khi cần thiết;d) Biết được một số hành vi đúng, sai của con người đối với môi trường;đ) Có hành vi bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hàng ngày (không vứt rác bừa bãi, tiết kiệm điện, nước...).

a) Nói được khả năng và sở thích của người khác;b) Chấp nhận sự khác biệt giữa người khác với mình (về sở thích, nhu cầu, những khiếm khuyết về cơ thể...);c) Nhận ra sự không công bằng trong nhóm bạn và biết cách tạo lại sự công bằng.

Lĩnh vực phát triển ngôn ngữ và giao tiếp

a) Phân biệt được sắc thái của lời nói khi vui, buồn, tức, giận, ngạc nhiên, sợ hãi;b) Hiểu và đáp lại lời nói của người khác; c) Hiểu nghĩa một số từ khái quát chỉ sự vật, hiện tượng đơn giản, gần gũi ( đồ chơi, hoa, quả, vật nuôi trong nhà…);e) Nghe hiểu nội dung câu chuyện, thơ, đồng dao, ca dao... dành cho trẻ.

a) Phát âm rõ ràng;b) Sử dụng các từ chỉ tên gọi, hành động, tính chất và biểu cảm trong sinh hoạt hàng ngày;c) Sử dụng các loại câu khác nhau trong giao tiếp: câu đơn, câu ghép, câu hỏi, câu khẳng định, câu phủ định, câu mệnh lệnh;d) Lời nói bày tỏ được cảm xúc hoặc nhu cầu, ý nghĩ và kinh nghiệm của bản thân;đ) Biết sử dụng lời nói để thỏa thuận, trao đổi, hợp tác, chỉ dẫn bạn bè trong hoạt động vui chơi;e) Kể về một sự việc, hiện tượng nào đó để người nghe hiểu được;g) Kể lại được nội dung chuyện đã nghe theo đúng trình tự.

a) Biết khởi đầu một cuộc trò chuyện bằng các cách khác nhau (nói gây sự chú ý hoặc hỏi một câu);b) Biết điều chỉnh giọng nói (giọng điệu và tốc độ) phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp;c) Chăm chú lắng nghe người khác và đáp lại bằng cử chỉ, nét mặt, ánh mắt phù hợp;d) Biết chờ đến lượt trong giao tiếp, trò chuyện, thảo luận (không nói leo, không ngắt lời người khác);đ) Biết hỏi lại hoặc có những biểu hiện qua cử chỉ, điệu bộ, nét mặt khi không hiểu người khác nói;e) Biết sử dụng một số từ: chào, tạm biệt, cảm ơn, xin lỗi, xin phép, thưa, vâng ạ phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp; g) Không nói tục, chửi bậy.

a) Biết sử dụng một số ký hiệu, biểu tượng như tranh ảnh, chữ viết, số... trong sinh hoạt hàng ngày;b) Nhận biết được các phần của sách truyện (tên quyển truyện, phần mở đầu, kết thúc truyện, trang bìa, trang sách); c) “Đọc vẹt” theo truyện đã được nghe nhiều lần;d) Kể được nội dung câu chuyện đơn giản dựa vào tranh minh hoạ và kinh nghiệm của bản thân;đ) Thích đọc những chữ đã biết có ở môi trường xung quanh;e) Thể hiện sự thích thú với sách (tìm kiếm sách để xem, yêu cầu người khác đọc cho nghe, thích đọc theo người lớn, tham gia „đọc“ sách cùng với bạn); g) Có hành vi giữ gìn, bảo vệ sách.

Chuẩn 18. Làm quen với việc viết (5 chỉ số)

a) Biết được rằng chữ viết có thể thay thế cho lời nói và các chữ viết ra có thể đọc được;b) Có thể vẽ lại sự việc nào đó theo ý thích trong câu chuyện đã được nghe kể;c) Bắt chước hành vi viết và sao chép những chữ cái, từ đơn giản xung quanh;d) Tự “viết” được đúng tên của mình;đ) Thích sử dụng các dụng cụ viết khác nhau để viết, vẽ tranh.

Chuẩn 19. Làm quen với chữ viết tiếng Việt (3 chỉ số)

a) Nhận dạng được 29 chữ cái tiếng Việt;b) Phát âm đúng phiên âm của các chữ cái tiếng Việt;c) Biết hướng đọc và viết theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ trái qua phải.

Lĩnh vực phát triển nhận thức và sẵn sàng với việc học

a) Biết được công dụng và chất liệu của các đồ dùng thông thường trong sinh hoạt hằng ngày;b) Kể được một số địa điểm công cộng gần gũi nơi trẻ sống (điểm vui chơi, trường học, chợ, bệnh viện hoặc trung tâm y tế…);c) Nói được nghề nghiệp và nơi làm việc của bố mẹ.

a) Chia nhóm cây cối, con vật và đặt tên theo đặc điểm chung;b) Biết thứ tự các giai đoạn phát triển cơ bản của cây (VD: hạt-- nảy mầm-- cây-- ra hoa-- có quả), con vật (VD: trứng gà -- gà con -- gà trưởng thành); c) Nói được những đặc điểm nổi bật của từng mùa (xuân, hè, thu, đông) trong năm;d) Dự đoán một số hiện tượng tự nhiên đơn giản (mưa, nắng, gió...) sắp xảy ra.

a) Nghe và cảm nhận được giai điệu (vui, êm dịu, buồn) của bài hát/bản nhạc;b) Hát đúng giai điệu những bài hát đơn giản, thích tham gia vào các hoạt động biểu diễn;c) Thể hiện cảm xúc và vận động phù hợp (vỗ tay, lắc lư, nhún nhảy....) với nhịp điệu của bài hát, bản nhạc;d) Thể hiện cảm xúc (sờ, ngắm nhìn, ngạc nhiên, sung sướng…) trước vẻ đẹp của thiên nhiên và sản phẩm tạo hình; đ) Biết sử dụng các phương tiện, vật liệu khác nhau để tạo hình một sản phẩm đơn giản;e) Nói được ý tưởng thể hiện trong sản phẩm tạo hình của mình.

a) Đếm được ít nhất 10 đối tượng;b) Tách 10 đối tượng thành 2 nhóm bằng ít nhất 2 cách và so sánh;c) Đo chiều dài, chiều rộng, chiều cao bằng một đơn vị đo nào đó (gang tay, bước chân, thước) và nói kết quả.

a) Chỉ ra được khối cầu, khối vuông, khối chữ nhật và khối trụ theo yêu cầu;b) Xác định được vị trí (trong, ngoài, trên, dưới, trước, sau, phải, trái) của một vật so với một vật khác;

a) Gọi tên các ngày trong tuần theo thứ tự;b) Phân biệt được hôm qua, hôm nay, ngày mai qua các sự kiện hàng ngày;c) Nói được ngày trên lốc lịch và giờ (chẵn giờ - VD: 1 giờ, 2 giờ ...) trên đồng hồ.

Chuẩn 26. Tò mò và ham hiểu biết (2 chỉ số)

a) Hay đặt các câu hỏi;b) Tìm cách khám phá các sự vật, hiện tượng xung quanh.

a) Tập trung chú ý trong khoảng 10 - 15 phút b) Thực hiện đến cùng công việc được giao;

a) Nói được mối liên hệ nguyên nhân - kết quả đơn giản trong cuộc sống hằng ngày (VD: Nếu đi ngoài nắng không đội mũ thì dễ bị ốm; nếu uống nước bẩn thì sẽ bị đau bụng ...);

b) Loại được một đối tượng không cùng nhóm với các đối tượng còn lại;

c) Nhận ra quy tắc sắp xếp đơn giản và tiếp tục thực hiện theo qui tắc (VD: sắp xếp màu, hình trang trí: Xanh - đỏ - vàng - Xanh - đỏ - vàng; hình to nhất - nhỏ hơn - nhỏ nhất; sắp xếp âm thanh theo mức độ to, nhỏ: hát to - hát vừa - hát nhỏ; ...).

a) Thể hiện cái mới, độc đáo trong trò chơi ( VD: sử dụng cán chổi để làm ngựa phi, dùng chiếu, chăn để làm nhà, lều ...) hoặc trong tạo hình (vẽ, nặn các vật theo ý tưởng riêng ...), âm nhạc (vận động mô phỏng theo bài hát, đặt lời mới theo nhạc bài hát quen thuộc ...);

b) Kể thêm hoặc thay đổi diễn biến của câu chuyện đã biết (hành động, lời nói của nhân vật, mở đầu, kết thúc của câu chuyện ...) một cách hợp lý.

(Nguồn: Bộ GD-ĐT)

Theo YẾN ANH - Người lao động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên