08/03/2008 03:45 GMT+7

Nơi có 70% học sinh bỏ học

TRẦN THẢO NHI
TRẦN THẢO NHI

TT - Những ngày này, mái trường của học sinh (HS) Khơ Mú thuộc xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) - nằm ở vùng giáp biên giới Việt-Lào - đang chìm trong những cơn gió lạnh dưới 7OC. Giá rét, sương mù và đói khiến 70% số HS ở đây không đến lớp.

32Xpzeed.jpgPhóng to

Lớp 5 của thầy Nguyễn Duy Nghĩa có 17 em nhưng giờ chỉ còn 10 em đến lớp - Ảnh: V.T.

TT - Những ngày này, mái trường của học sinh (HS) Khơ Mú thuộc xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) - nằm ở vùng giáp biên giới Việt-Lào - đang chìm trong những cơn gió lạnh dưới 7OC. Giá rét, sương mù và đói khiến 70% số HS ở đây không đến lớp.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Bài 1: Đau đầu vì bỏ học!

Đó không còn là chuyện cá biệt ở vùng rừng núi Nghệ An.

Ở Trường tiểu học Keng Đu 2, cả năm lớp thuộc cơ sở chính của trường đều thưa thớt HS. Những dãy bàn trống hoác, lác đác vài em ngồi buồn thiu. Thầy giáo chủ nhiệm lớp 5 tên Nguyễn Duy Nghĩa chỉ vào góc phải tấm bảng ghi sĩ số HS: lớp có 17 nhưng vắng mất bảy em. "Ra tết đến nay nhiều em chưa đến lớp do rét quá, lại đói nữa. Các em không đủ áo mặc lại phải ăn sắn, ăn khoai trừ bữa rồi quanh quẩn bên bếp lửa nhà sàn" - thầy nói.

Đói, kiếm cái ăn trước

Kontum: gần 2.500 HS bỏ học

Theo thông tin từ ngành giáo dục tỉnh Kontum, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 2.483 HS bỏ học, trong đó tiểu học 502 em, THCS 968 và THPT 1.013 em. Nguyên nhân chính được xác định là do một số em lớn tuổi, học kém, mặc cảm tự ty và một phần do hoàn cảnh gia đình khó khăn… Việc HS bỏ học nhiều khiến nhiều thầy cô giáo rất đau đầu và phải lăn lội vất vả để đến gõ cửa từng nhà vận động HS ra lớp mà không mấy kết quả.

Một HS đứng dậy thưa: "Bạn Tùng, bạn Khương theo bố mẹ đi làm rẫy, ngủ trong rừng mấy hôm nay chưa thấy về". Thầy Nghĩa giải thích: "Mỗi năm người Khơ Mú chỉ đủ ăn trong hai tháng nhờ lúa rẫy, mười tháng còn lại do không có nghề phụ nên họ chỉ biết ngồi trông cứu trợ của huyện.

Vì vậy, sau mỗi buổi học, HS lớp 1 cũng phải theo cha mẹ vào rừng hái rau, lượm củi. Mới đây đợt dịch tả và dịch cảm sốt do những trận rét hoành hành gây nên đã khiến nhiều em không đủ sức đến lớp. Ở năm lớp chính này còn đỡ, chứ 16 lớp trong bốn bản lẻ tình hình còn gay go hơn nhiều".

Đi tiếp một giờ nữa trên đường rừng đèo dốc cheo leo, chúng tôi đến trường THCS và Trường tiểu học Keng Đu 1. Khung cảnh cũng vắng lặng hệt ở Keng Đu 2. Hiệu trưởng Lê Quỳnh Lưu cho biết: "Đây là trường trung tâm, có 718 HS cấp I, II và 253 HS mầm non. Hiện 60 HS cấp II đã bỏ học. Số HS này đã sang bản Viêng Hòm, huyện Nọng Hét, tỉnh Bolikhamxay (Lào) đi kéo gỗ thuê. Còn 400 em khác chưa đến lớp kể từ sau tết". Ông lo lắng: "Tôi e ít nhất hai năm nữa các em cấp I lên cấp II cũng lần lượt bỏ học đi làm thuê... Nhìn trường lớp vắng lặng, là giáo viên cắm bản đã hơn mười năm nay, chúng tôi nóng gan nóng ruột lắm".

Bỏ học lan rộng

DzSLAH9e.jpgPhóng to

Đói ăn, thiếu mặc là một nguyên nhân khiến học sinh vùng núi nghỉ học - Ảnh: V.T.

Trò thiếu ăn, thầy cũng khốn khó

Ba trường học ở Keng Đu có 80 giáo viên từ miền xuôi lên cắm bản. Cuộc sống của các thầy cô ở đây cũng khốn khó không khác gì người địa phương và học trò. Khi chúng tôi đến, chứng kiến một cảnh mà không khỏi chạnh lòng: một thầy giáo có buồng chuối xanh làm thức ăn, ăn dè sẻn và cố giữ không cho chuối chín, từ tết đến giờ buồng chuối vẫn còn… Thực phẩm ở đây ngoài chuối còn có cá khô và muối vừng gửi từ dưới quê lên.

Phía sau dãy nhà lợp tranh của giáo viên là năm túp lều trọ học của HS bán trú từ các bản xa. Trong lều, cạnh sạp nứa là một nồi cơm nhỏ đang bắc trên ba hòn đá núi. Các em cho biết bữa cơm thường ngày chỉ có muối và ớt cay. Một tuần chỉ có vài bữa được ăn rau nhờ gùi được từ bản lên, nhưng cũng chỉ là những cọng rau chấm với muối.

Em Moong Văn Sơn đến trọ học từ bản Quyết Thắng tâm sự: "Chúng cháu đói nhưng còn may mắn hơn em gái của bạn My". Hôm đó cha của My đi rừng bẫy được một con chuột đem về làm thịt, cả nhà cùng ăn. Không ngờ con chuột bị trúng thuốc độc nên bảy người trong nhà đều ngã lăn. Năm người may mắn được cứu sống, riêng em gái My và mẹ đã mất.

Cũng do đói mà đã có nhiều cái chết thảm thương. Như ở bản Kẻo Kơn, hôm đó ông Lương Phò Xuân đi hái rau rừng về ăn thay cơm. Ăn xong, vợ ông Xuân cho đứa con mới một tháng tuổi bú được một lúc thì cả hai mẹ con nằm chết tại chỗ. Em Lương Thị Pá, học lớp 3, cũng chết theo mẹ. Lý do, bó rau ông Xuân đi hái về là một loại cây độc mà ông không biết, đói quá ăn liều.

Ông Trần Văn Khánh - trưởng phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn - cho biết ngày 1-3 trước việc quá nhiều HS bỏ học, ông và bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn đã vào ba xã Keng Đu, Đoọc Mạy, Na Loi kiểm tra. Theo ông Khánh, toàn huyện hiện có 23 trường, 21.338 HS các cấp, ngoài Keng Đu có trên 70% HS bỏ học, bình quân các trường có 50% HS bỏ học do đói, rét. Số HS bỏ học tại các trường Mường Ải, Mường Típ, Bảo Nam, Bảo Thắng, Na Noi, Bắc Lý đang tăng cao.

Trong khi đó theo điều tra của PV Tuổi Trẻ, hiện Nghệ An có trên 10.000 HS bỏ học, tập trung ở các huyện miền núi. Sau huyện Kỳ Sơn là huyện Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu... Riêng huyện Tương Dương phòng giáo dục đã có công văn gửi UBND huyện đề nghị kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp ủng hộ lương thực để đưa số HS bỏ học có điều kiện trở lại trường.

TRẦN THẢO NHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên