29/06/2017 15:48 GMT+7

​Ăn khín bà Chín  bẻ răng

LÊ MINH QUỐC
LÊ MINH QUỐC

TTO - Với quyển sách Tụi lớp Nhứt, Trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ, nhà văn Lê Văn Nghĩa có thòng thêm câu: “Truyện thiếu nhi… và người lớn”.

Sở dĩ như thế, tôi hiểu là tác giả đã vận dụng khá nhiều lời ăn tiếng nói của người Sài Gòn thập niên 1960. Thú vị ở chỗ, có những từ đã “mất hút con mẹ hàng lươn”, đã tự đào thải theo năm tháng; ngược lại, có từ vẫn còn sống sờ sờ ra đó. 

Cậu học trò Lượm thưa với cô giáo: “Dạ, em dạy con chó hát xiệc”. “Hát xiệc” là gì? Nhân vật trong truyện cho biết, đó là dạy: “Chó đi hai cẳng. Chó biết chào. Chó biết trả lời toán cộng”.

Từ này, Từ điển Việt Nam (1970) giải thích: “Lối diễn các trò nhào lộn khéo léo, nguy hiểm trên thang dây hay đu và điều khiển thú vật điều khiển”. Xiệc là cách phát âm từ tiếng Pháp cirque mà ra. Nay chẳng mấy ai dùng “hát xiệc”, thường gọi là xiếc.

Ăn, có nhiều cách ăn. “Nó không cần phải ăn khính của người khác nữa”, Lê Văn Nghĩa giải thích: “Tức ăn ké, ăn phần của người khác chia cho hay xin được”.

Ta hiểu cũng na ná như ăn ché/ ăn chực nhưng hàm nghĩa nhẹ hơn, không mang tính miệt thị, chê cười. Bởi một bên nhân tiện mà nhờ vào, còn một bên là có chủ đích chực/ chầu chực/chờ chực hẳn hòi. 

Đại từ điển tiếng Việt (1998) chỉ ghi nhận “ăn khin/ăn khín”- ngay cả Việt Nam từ điển (1970) của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ cũng tương tự. Không chỉ “ăn khín” mà còn có “nói khín” là nhờ khi người khác nói mà nói theo; “nghe khín” là nghe lóm, nghe nhờ. Có lẽ do tập sách sai morat nên “ăn khín” in thành “ăn khính” chăng? 

Thành ngữ miền Nam có câu ngộ nghĩnh: “Ăn khín bà Chín bẻ răng”. Bà Chín là bà nào? Chẳng có bà nào cụ thể chăng? Có phải chỉ là cách nói cho xuôi vần như trường hợp: “Hết xẩy con bà Bảy”/ “Đẹp trai con bà Hai”? Tương tự khi thằng Lượm thề thốt: “Tao nói thiệt, thằng nào nói láo bà bắn” - nhưng xin hỏi “bà” nào bắn?

Trong Phương ngữ Nam bộ, nhà nghiên cứu Nam Chi Bùi Thanh Kiên giải thích “bà” ở đây: “Còn gọi là bà cố - một trong Cửu vị nương nương tức là một trong chín cô gái của Ngọc hoàng. Bà được thờ trong miếu nhỏ gọi là miếu Ngũ Hành, cất nơi cây cao bóng mát”.

Nếu không dùng từ “khín” theo hàm nghĩa trên, ta có thể lại dùng từ khác. “Em tôi khát sữa bú tay/ Ai cho bú thép ngày rày mang ơn”. Bú thép là bú khín. Mà bú, còn gọi là nút. Mà nút còn là từ dùng để chỉ vật đóng kín miệng chai; là cúc áo/ khuy áo. 

Nút còn là chỗ giao nhau của nhiều ngã đường, chẳng hạn “nút giao thông”; là chỉ bầy, đàn, nhóm - như một người bảo: “Các em đừng chơi dại, có ngày chết cả nút”; là gút, nối/buột hai đầu dây lại…

Dân cờ bạc thường hay nói câu: “Chín nút còn thua ba tây”, có thể nôm na, nút ở đây là quy ước về đơn vị đếm lúc chơi bài, cao nhất là chín nút, vậy trên 9 là 10? Không, là “bù”.

Rắc rối thiệt. Đã thế, nút cũng là nốt, ví dụ: chàng ta đang “ca” cái nốt ruồi của cô nàng.

Trở lại truyện dài của Lê Văn Nghĩa, khi bé Mai méc với cô giáo: “Nhiều khi trò Són cũng a thần phù lắm cô”. “A thần phù” là bất thình lình, bất ngờ, không trước sau như một mà có thể thay đổi ý định/kế hoạch đột ngột, “năm nắng năm mưa” nên khó lường được. 

“Thằng Lượm cảm thấy chới với như hụt đỏi, rớt tỏm xuống sông”; “Bây giờ coi như hụt đỏi rồi”. Lê Văn Nghĩa giải thích “hụt đỏi” là “thất bại”. Hụt là thiếu một phần; trật, không trúng; hẫng chân khi bước vào chỗ trống, thấp một cách đột ngột; trượt, nhỡ, hỏng. Vậy “đỏi” là gì?

Theo Đại Nam quấc âm tự vị (1895): “Là thứ dây lớn, thường dùng mà bịn ghe, bịn tàu. Hụt đỏi là bỏ đỏi không tới, bịn không tới nơi. Nghĩa mượn: Hụt đi, mất phần đi rồi”. Đại từ điển tiếng Việt giải thích: Bỏ neo không tới đáy nước. Lỡ nhịp, hỏng ăn. “Gió đưa tàu chuối phất phơ/ Chậm chân nên phải hụt đò hẩm hiu” (ca dao) - ấy là lời than của kẻ hụt đỏi.

Lần nọ, thằng Lượm: “Nghĩ vậy, nó cầm cây viết bỏ cẩn thận vào cái túi quần, sau đó đi ngược lại bến xe một bugi - tiếng lóng mà tụi nó gọi xe thổ mộ”.

Ai cũng biết, bugi là phát âm của tiếng Pháp bougie, tức bộ phận đánh lửa trong động cơ nổ nhưng nó lại được dùng nhằm ám chỉ “cái đó” của con đực. Vậy khi nhà văn viết “xe một bugi” tức ta hiểu là xe do một con ngựa kéo. Một người đùa: “Thằng chả đúng là anh hùng râu quặp, vợ mới nạt một câu mà đã teo bugi”. Teo là nhót lại, co rút, tóp nhỏ lại. Tội nghiệp ghê.

LÊ MINH QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục