27/04/2017 11:48 GMT+7

Làm nghề gì cũng phải bỏ vốn đầu tư

LÊ MINH QUỐC
LÊ MINH QUỐC

TTO - “Đi giác sắm bầu, đi câu sắm giỏ”. Câu thành ngữ này, hiểu theo nghĩa bóng làm nghề gì cũng bỏ vốn đầu tư dụng cụ hành nghề, tựa như “Làm ruộng sắm cày, đi may sắm kéo”.

Trời đang nắng nóng, hai chị em kết nghĩa là cô Năm (người Trung) và cô Tư (người Bắc) rủ nhau đi chợ Bến Thành mua ít trái cây. Sau khi lựa xong, bỏ lên cân, họ còn đang ngần ngừ, bỗng nghe bà chủ (người Nam) nói cười rổn rảng: “Nè, cho thêm trái nữa để làm quen. Cân giác rồi đó”. 

Giác là gì? 

Có thể hiểu “giác” trong ngữ cảnh trên là cân nặng/nhiều hơn mức quy định. Nếu không dùng từ “giác”, ta dùng từ “già” cũng đặng. Nếu cân thiếu, không đủ trọng lượng gọi là cân non. 

Trong vốn từ tiếng Việt, non có nhiều hàm nghĩa. Đại Nam quấc âm tự vị (1895) có liệt kê nhiều từ non cùng nghĩa “non lắm” - theo cách nói của người miền Nam: non nhuốt, non nớt, non nhớt, non bệu, non trong. Phương ngữ Nam Bộ của Nam Chi Bùi Thanh Kiên còn bổ sung thêm: non chẹt, non èo, non mễu (non mướt và tươi, thường dùng để chỉ rau cỏ), non nhớt, non xèo. Tất nhiên, không chỉ dừng lại đó, còn có thể thêm như non choẹt, non ệu….

Ta còn thú vị với “chữ non” lại là viết quá xấu, chữ như gà bới nhưng “non chữ” là học hành còn ít, chữ nghĩa chẳng có  bao nhiêu.

Thử hỏi cắc cớ, “non nhân” là sao? Thơ Nguyễn Công Trứ có câu: “Năm ba chén non nhân nước trí/ Một vài câu thơ thánh phú thần”. Là tác giả lấy từ câu “Nhân giả nhạo sơn, trí giả nhạo thủy”- người nhân trí thích ngao du non nước nhưng cũng hiểu rộng là chỉ cảnh non nước. Do có thể đảo từ non non nước nước/ nước non/ non nước nên trong ca dao, thơ Việt Nam, hình ảnh ấy mang nhiều sắc thái khác nhau. Thề non nước của Tản Đà là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất: “Nước non nặng một lời thề/ Nước đi đi mãi không về cùng non…”.

Mà đã nói đến non ắt ta lại nhớ đến từ đồng nghĩa là núi/núi non. Các câu thành ngữ “Đầu non góc núi”, tương tự “Đầu gành cuối biển”, “Đầu sông ngọn nguồn” là chỉ nơi xa xôi, khó đi tới, cheo leo, quạnh vắng…

Trong Việt ngữ tinh hoa từ điển (1949), nhà nghiên cứu Long Điền Nguyễn Văn Minh: “Thường nghiệm thấy chỉ nói: “dãy núi” không thấy nói “dãy non”; lại chỉ thấy nói “non nước”, mà không thấy nói “núi nước” và nói “núi già” mà không thấy nói “non già”. Lại xét trong câu ca dao: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, trong một câu mà ngày xưa dùng cả hai tiếng “non” và “núi”, thì tất có dụng ý và chắc hai tiếng có nghĩa phân biệt”.

Không những thế, non còn đi chung với sông/non sông; và núi cũng vậy: núi sông/sông núi. Với các dẫn chứng này, ta thấy rằng trong tiếng Việt sự biểu lộ từng sắc thái của các từ nước/ núi/ non cực kỳ phong phú, đa dạng. 

Ca dao có câu tuyệt hay: “Trăng bao nhiêu tuổi trăng già/ Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?”. Ai cũng thừa nhận rằng “non” trong “núi non” là sự chơi chữ, đối lập với “già” của “trăng già” ở vế trước.

Vậy xin hỏi, có phải “trăng già” là chỉ về tuổi tác của con trăng ấy? Không hề. Việt Nam tự điển (1931) giải thích: “Do chữ nguyệt lão dịch ra, thường dùng để chỉ vị thần xe duyên trai gái”.

“Trăng già độc địa làm sao/ Cầm dây chẳng lựa buộc vào tự nhiên” (Truyện Kiều) là hiểu theo nghĩa đó. Thông thường khi nói về tuổi tác của ai đó, ta thường dùng “người già/người trẻ” - như thành ngữ có câu: “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới”. 

Trở lại với từ giác, ta biết ngày xưa, một đồng là mười giác; một giác còn gọi là một hào, một cắc. Trong Việt ngữ chánh tả tự vị, nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ cho rằng, “cắc” do từ “giác” mà ra. 

“Đi giác sắm bầu, đi câu sắm giỏ”. Câu thành ngữ này, hiểu theo nghĩa bóng làm nghề gì cũng bỏ vốn đầu tư dụng cụ hành nghề, tựa như “Làm ruộng sắm cày, đi may sắm kéo”.

Giác trong câu trên, có thể hiểu đại khái là phương pháp làm tụ máu bằng hơi/giác hơi, dùng cái bầu (hay ống sừng) úp vào người để hút máu độc. Dụng cụ ấy của thợ giác gọi là “bầu giác/ống giác”.

LÊ MINH QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục