25/06/2015 06:30 GMT+7

​Thiếu trầm trọng máu nhóm A và O

ĐẶNG TƯƠI – LAN ANH – TRÀ MY – MINH MẪN
ĐẶNG TƯƠI – LAN ANH – TRÀ MY – MINH MẪN

TTO - Hiện nay kho máu của Viện huyết học và truyền máu T.Ư đang thiếu trầm trọng máu nhóm A và O. Lúc này, rất cần người dân hiến máu cấp thiết để kịp thời cứu người.

Một bạn trẻ tham gia hiến máu nhân đạo

Từ bài viết của TTO đăng tải ngày 22-6 cho biết hiện tại kho máu của Viện huyết học và truyền máu T.Ư chỉ còn lại chưa tới 5000 đơn vị, chỉ đủ dùng cho 1 tuần, nhiều độc giả trên khắp cả nước đã bày tỏ sự quan tâm và cho biết sẵn sàng hiến máu để kịp thời cứu giúp những bệnh nhân đang cần được truyền máu.

Không hiếm nhưng thiếu do yếu tố khách quan

Trên thực tế Ở Việt Nam, có tới 99,96% số người thuộc nhóm máu Rh+ (hoặc O+ hoặc B+ hoặc A+ hoặc AB+, xếp theo tỷ lệ giảm dần) nhưng chỉ có 0,04%-0,07% số người thuộc nhóm máu Rh- (hoặc O- hoặc B- hoặc A- hoặc AB-). 

Theo quy định của Hiệp hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong cộng đồng được gọi là nhóm máu hiếm và dưới 0,01% gọi là nhóm máu rất hiếm. 

Nhiều cán bộ, công nhân viên tại tòa nhà Đại Quang (Q.7, TP.HCM) tham gia ngày hội hiến máu nhân đạo do bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM phối hợp cùng công ty 3M tổ chức sáng 23-6 - Ảnh: D.Nguyễn

Như vậy, những người có nhóm máu Rh- ở nước ta mới thuộc cộng đồng người có nhóm máu hiếm (trong 10.000 người mới có 4-7 người mang nhóm máu Rh-).

ThS.BS Lại Thị Thanh Thảo, giảng viên bộ môn Huyến học, ĐH Y dược TP.HCM cho biết trên thực tế máu Avà O không phải là nhóm máu hiếm. 

Tuy nhiên, hiện tượng khan hiếm vẫn có thể xảy ra do những yếu tố khách quan như nhu cầu của bệnh nhân tại các bệnh viện quá lớn trong khi lượng người có nhóm máu A đi hiến máu lại ít vào một thời điểm nào đó.

Ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế và là thành viên ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện quốc gia cho biết tại Hà Nội, lực lượng hiến máu chủ yếu là học sinh - sinh viên và hiện tại đang là thời điểm nghỉ học nên lượng máu thu thập bị thiếu hụt. 

Vì thế, vào tháng 7 tới chương trình Hành trình đỏ sẽ được tiến hành để vận động mọi người từ Cà Mau đến Lạng Sơn hiến máu.

Bên cạnh đó, ông Tường cũng cho rằng nên có hình thức tôn vinh cao hơn dành cho người hiến máu để khuyến khích mọi người cùng tham gia hoạt động cứu người này.

Bạn Nguyễn Trung Thành (TP.HCM) cho biết, bạn là một người thường xuyên tham gia hiến máu nhân đạo và máu của bạn thuộc nhóm máu O. 

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại VN Hugh Borrowman tham gia hiến máu nhân đạo - Ảnh Quang Thế

Tuy nhiên có những lúc bạn được nơi hiến máu tiếp nhận, có lúc thì không với lý do, trong thời điểm đó nhóm máu O đang thừa rất nhiều và họ cần bổ sung nhóm máu B cho ngân hàng máu.

Nhiều độc giả khác của TTO cũng cho biết họ là những người từng tham gia hiến máu nhân đạo và vào những thời điểm khác nhau, nhóm máu của họ được hoặc không được tiếp nhận với lí do thiếu hoặc thừa. 

Tuy nhiên hoạt động hiến máu hiện nay khắp cả nước vẫn đang được thực hiện bởi nhiều tổ chức y tế.

Máu thì lúc nào bệnh viện cũng cần

Bác sĩ Lại Thị Thanh Thảo cho biết những trường hợp bệnh cấp tính như chấn thương gây mất máu, vỡ gan, lách, đứt động mạch, xuất huyết tiêu hóa… thì cần có đúng nhóm máu để truyền khẩn cấp.

Những bệnh mạn tính như ung thư máu, thiếu máu di truyền… cũng cần cung cấp máu kịp thời để bảo đảm sức khỏe của bệnh nhân. 

BS Trương Thị Kim Dung, phó giám đốc bệnh viện Truyền máu Huyết Học TP.HCM nhấn mạnh: Máu thì lúc nào cũng cần và các hoạt động kêu gọi, vận động mọi người hiến máu, tổ chức xe lưu động đến các nơi nhận máu vẫn diễn ra hằng ngày. 

Sinh viên tham gia hiến máu - Ảnh: Đại Việt

Phải duy trì việc tiếp nhận hằng ngày để tạo sự ổn định cho kho máu bởi chúng tôi vẫn hằng ngày cung cấp máu cho các bệnh viện.

Theo BS Dung, lượng dự trữ trong kho máu của bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP.HCM  vẫn ổn định để cung cấp cho các bệnh viện và hiện tại, tỷ lệ máu nhóm A trong kho vẫn đảm bảo với hơn 5.000 túi máu. 

Tuy nhiên ngân hàng máu của bệnh viện vẫn tiếp nhận người đến hiến máu hằng ngày tại bệnh viện hoặc nếu có đơn vị, cty nào đăng ký hiến máu thì sẽ có xe lưu động của bệnh viện đến tận nơi để lấy máu.

Hiến máu là cứu người

Trên trang cá nhân của mình, ca sĩ Thái Thùy Linh, người có nhiều năm tham gia vào công tác tình nguyện đang lời kêu gọi: Ai có nhóm máu A và O xin làm phúc, các bệnh nhân đang chờ máu từng giờ.

Hưởng ứng lời kêu gọi ấy, nhiều khán giả của nữ ca sĩ đã bày tỏ quan điểm ủng hộ.

Bạn Kim Tuyến cho biết đang vận động nhiều cư dân ở nơi mình ở hiến máu, mong rằng sẽ kịp thời giúp đõ cho những người đang có nhu cầu được truyền máu.

Bạn Nguyễn Thế Hùng chia sẻ: Tôi nhóm máu O+, có thể hiến 450ml mỗi lần thay vì mọi người thường hiến 300ml. Tôi có sức khỏe tốt, đã hiến nhiều lần, cứ 6 tháng hiến một lần cho Hội chữ thập đỏ TP.HCM hoặc trong trường hợp khẩn cấp bố người bạn mổ tim ở Viện Tim TP.HCM, tôi biết nhóm máu O có thể cho tất cả nhưng chỉ nhận lại O...

3.000 sinh viên Đại học Baekseok đã tập trung để tạo hình một giọt máu tại khu nghỉ mát trượt tuyết Phoenix Park ở Pyeongchang, tỉnh Pyeongchang, Hàn Quốc. Đây là một sự kiện do Hội Chữ thập đỏ tổ chức trong một chiến dịch gây ý thức về việc hiến máu nhân đạo.

Nghe được thông tin này tôi xin sẵn lòng hiến máu không bồi dưỡng cho ai hoặc đơn vị nào cần để cứu người.

Chị Thương Nguyễn (Tây Ninh) cho biết, khi đọc tin, gia đình chị đã quyết định sẽ cùng nhau tham gia hiến máu, vì bản thân chị thuộc nhóm máu A, còn con trai thuộc nhóm máu O, chính là lượng máu đang thiếu hiện nay. 

Chị mong rằng thông tin sẽ được lan truyền rộng rãi để những người có lòng hảo tâm với đồng bào mình nhanh chóng đi đến các cơ sở y tế đăng kí tự nguyện hiến máu nhân đạo.

Hai ý kiến thắc mắc từ người hiến máu

Có 2 vấn đề lớn được nhiều bạn đọc đặt câu hỏi khi tham gia hiến máu nhân đạo.

Ý kiến thứ nhất thắc mắc, tại sao khi mình đã hiến máu cho các bệnh viện công trên cả nước đến khi có nhu cầu cần được bồi hoàn thì chỉ có người hiến được bồi hoàn chứ không thể là người thân?

Ý kiến thứ hai: Tại sao việc hiến máu nhân đạo là mỗi người dân tự nguyện cho đi không hề tính phí, nhưng để lượng máu đó đến được với bệnh nhân đang cần thì họ lại phải trả tiền cho bệnh viện?  

“Chúng tôi cho máu chứ đâu có bán máu”, một bạn đọc thắc mắc.

Ông Trần Quý Tường cho biết trên thực tế chi phí bỏ ra để sàng lọc, xét nghiệm và bảo quản một đơn vị máu là khá cao và hiện chi phí thu lại vẫn chưa bù được hoàn toàn. 

Nghe các phát biểu trong bài:

>> BS Trương Thị Kim Dung

>> ThS.BS Lại Thị Thanh Thảo

 

ĐẶNG TƯƠI – LAN ANH – TRÀ MY – MINH MẪN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên