21/03/2015 06:00 GMT+7

Tăng phí xe đâu giảm được ùn tắc giao thông

ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG
ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG

TTO - Phí đăng ký mô tô, xe máy tăng đáng kể, riêng mức phí đăng ký xe hơi tăng gấp 5 lần hiện nay.

Ảnh minh họa. Ảnh: Quang Hiếu

Thượng tá Trần Văn Thương - phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67) Công an TP.HCM - cho biết việc tăng phí đăng kí xe nhằm giảm ùn tắc giao thông và tăng nguồn thu ngân sách.

Cũng theo Thượng tá Thương, tiền thu từ phí đăng kí mới này sẽ được dùng cho các hoạt động trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Hầu hết bạn đọc không đồng tình với dự thảo đề xuất bởi tính khả thi trong việc giảm tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay.

Anh Vũ Hoàng Minh Trọng (Quận Tân Bình, TP.HCM) nói quy định này chỉ ảnh hưởng đến người có hoàn cảnh khó khăn, còn đối với doanh nghiệp hay các cá nhân khá giả hơn thì không ảnh hưởng vì một khi họ muốn sở hữu xe hơi thì việc đóng thêm một khoản phí không là vấn đề gì.

>> Anh Minh Trọng

Ông Hoàng Trường Sơn - chủ cơ sở kinh doanh ôtô Sơn Hoa (P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM) ví von: “Nhà nước lúc ra luật này, lúc ra luật nọ. Ngày xưa từng có những quy định tương tự nhưng không hiệu quả. Người ta có tiền mua xe hơi thì tiếc gì chuyện hơn 10 triệu đồng để đăng kí xe, giống như người mua trâu, tiếc gì tiền mua sợi dây”.

>> Ông Hoàng Trường Sơn

Ý ông Sơn là việc tăng phí không giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông tại TP.HCM.

Anh Nguyễn Minh Hải - chủ cơ sở ôtô Thái Bình Dương (Q.2, TP.HCM) băn khoăn: Trường hợp mang xe về tỉnh đăng kí rồi mang lên sử dụng thì xử lý như thế nào? "Quy định này sẽ tạo kẽ hở cho ai muốn lách luật", anh Hải nói.

>> Anh Nguyễn Minh Hải

Không phải cứ nhắm vào xe mà thu tiền

PGS. TS Phạm Xuân Mai (khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM) cho rằng phải xác định nguyên nhân đang làm ún tắc giao thông ở TP.HCM hiện nay là do xe hơi hay xe gắn máy?

Ông Mai nhận định: “Không phải cứ nhắm vào xe mà thu tiền".

Theo ông Mai, biện pháp tài chính áp dụng cho xe máy cũng khó thực hiện vì nhu cầu đi lại của người dân là có thật, họ vẫn phải di chuyển bất kể có thêm khoản phí nào.

>> PGS. TS. Phạm Xuân Mai

PGS. TS. Nguyễn Hồng Thái (ĐH Giao thông vận tải) đánh giá khi “cung” không theo kịp “cầu”, tức cở sở hạ tầng không theo kịp sự phát triển của phương tiện vận tải thì hệ quả tất yếu là ách tắc giao thông.

>> PGS. TS. Nguyễn Hồng Thái

Ảnh minh họa. Ảnh: Ngọc Khải

Nâng chất phương tiện công cộng

Ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho rằng, giảm ùn tắc giao thông có rất nhiều giải pháp, thông thường là nâng cao năng lực của hạ tầng và vận tải công cộng đồng thời hướng đến giảm sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân (giảm sở hữu và giảm đi lại).

>> Ông Khuất Việt Hùng

Cùng quan điểm trên, PGS. TS. Phạm Xuân Mai cho biết: “Phải tăng cường giao thông công cộng, bao giờ đạt 30-40% thì mới giảm được ùn tắc. Hiện nay, giao thông công cộng chỉ chiếm 10% nên dù áp dụng biện pháp nào cũng sẽ không hiệu quả”.

>> PGS. TS. Phạm Xuân Mai

Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Thái, “gốc” của vấn đề là quy hoạch. Ông Thái cho hay: “Chúng ta chỉ quan tâm xây nhà nhưng không quan tâm dịch vụ quanh tòa nhà. Người dân chỉ ở đó nhưng làm việc, học tập, mua sắm lại phải đến nơi khác dẫn đến áp lực cho giao thông”. Sau quy hoạch cần xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng đáp ứng quy hoạch đó.

Ông Thái phân tích, tính cách người Việt Nam là thích sở hữu cá nhân đồng thời với họ phương tiện đi lại không chỉ để di chuyển mà còn là tài sản, thể hiện vị thế của chủ sở hữu.

"Cấm cái không cần thiết thì rất dễ nhưng cấm nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống thì là bài toán nan giải” - ông Thái nhấn mạnh.

>> PGS. TS. Nguyễn Hồng Thái

“Đồng thời cần nâng chất lượng phục vụ dịch vụ công cộng vì nếu hạn chế người dân sử dụng loại phương tiện này thì phải đảm bảo họ có thể sử dụng một loại phương tiện khác cho nhu cầu đi lại, học tập, làm việc” - ông Thái nhấn mạnh.

>> PGS. TS. Nguyễn Hồng Thái

Cấu trúc lại đô thị

Tiến sĩ (TS) Huỳnh Thế Du - giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright - cho biết, trên nguyên tắc, khi chi phí tăng thì nhu cầu sử dụng sẽ giảm.

Tăng phí đăng kí xe hơi, xe máy là việc cần làm vì trên thực tế chi phí sử dụng loại phương tiện này tại TP.HCM đang quá thấp.

“Muốn phát triển vận tải công cộng cần làm đồng thời hai giải pháp là tăng chi phí sử dụng phương tiện cá nhân và tạo điều kiện thuận tiện cho việc sử dụng phương tiện vận tải công cộng” - ông Du cho hay.

>> TS. Huỳnh Thế Du

Góp ý thêm, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng, ngoài việc đóng phí đăng kí lần đầu còn phải thu phí hằng năm.

Chúng ta không đủ diện tích mặt đường nên nếu không hạn chế việc sử dụng xe máy, xe hơi thì rất khó thúc đẩy phát triển vận tải công cộng.

“Tất nhiên phải quy hoạch các hộ dân sống dọc các tuyến vận tải hành khách công cộng và cấu trúc lại đô thị” - ông Du lưu ý.

>> TS. Huỳnh Thế Du

Giữa việc tạo ra công ăn việc làm cho mấy chục nghìn người tham gia ngành công nghiệp xe hơi và tạo ra sự tắc nghẽn cho mấy chục triệu người thì đành phải đánh đổi vì không có giải pháo nào toàn diện.

Thực chất, ngành công nghiệp xe hơi của Việt Nam không có nhiều lợi thế. Cho dù mở rộng thuế, chính sách mở cửa thương mại thì thị trường lớn hay nhỏ không ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Thực tế, hiện nay, xe hơi ngoại đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

>> TS. Huỳnh Thế Du

 

ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên