24/07/2017 08:26 GMT+7

Sao cứ là 'lỗ hổng ĐTM'?

NGUYỄN ĐỨC TUYÊN
NGUYỄN ĐỨC TUYÊN

TTO - Từ vụ lùm xùm “nhận chìm” 1 triệu mét khối “vật chất” xuống biển Bình Thuận của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 cho thấy việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) quá nhiều lỗ hổng.

Lỗ hổng lớn nhất trong quá trình thực hiện và phê duyệt ĐTM chính là “trách nhiệm”.

Nếu các cá nhân của đơn vị được Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 thuê thực hiện ĐTM có trách nhiệm thì đã không xảy ra việc làm “trí trá” - đưa tên một số nhà khoa học vào danh sách những người thực hiện để lợi dụng danh tiếng.

Việc lợi dụng danh tiếng của các nhà khoa học chắc không nằm ngoài mục đích làm cho bản báo cáo có giá trị hơn, nặng ký hơn, thuyết phục hơn, chứ không phải chỉ đơn giản là “lỗi của thư ký”.

Và nếu có trách nhiệm thì cả một hội đồng phê duyệt gồm hàng chục “nhà khoa học, chuyên gia”, cán bộ, lãnh đạo mà Bộ TN-MT lập nên đã không dễ dàng thông qua một bản báo cáo ĐTM có quá nhiều điều chưa rõ ràng, mà Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 thuê các đơn vị thực hiện như vừa rồi.

Để đến hôm nay, sau khi giấy phép “nhấn chìm vật chất” được phê duyệt, cấp phép và dư luận lên tiếng phản đối, lãnh đạo Bộ TN-MT còn cho rằng Viện Hải dương học cần khảo sát lại vùng biển đó mới có thể xem xét việc giao biển hay không.

Khi trao đổi về điều này với Tuổi Trẻ, các nhà khoa học đều cho rằng Bộ TN-MT đang làm ngược quy trình.

Mặt khác, trong tất cả các luật liên quan đến môi trường cũng không có nội dung nào thể hiện việc cấp phép trước rồi mới khảo sát sau như lãnh đạo Bộ TN-MT trả lời, giải thích với báo chí thời gian vừa qua.

Không phải bây giờ, mà đã từ lâu “lỗ hổng trách nhiệm” xuất hiện rất nhiều lần, lặp đi lặp lại trong công tác thực hiện và phê duyệt các bản báo cáo ĐTM.

Đó là báo cáo ĐTM “đẹp”, na ná nhau của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, bản báo cáo dự án liên quan lấn sông Đồng Nai, ĐTM của dự án Nhà máy giấy Lee & Man…

Với cơ chế hiện nay, việc lập ĐTM cho các dự án được chính doanh nghiệp đầu tư dự án đó bỏ tiền thuê một đơn vị nào đấy thực hiện.

Như vậy, đơn vị làm ĐTM có dám thực hiện trái với ý đồ của chính doanh nghiệp - ông chủ bỏ tiền ra thuê mình hay có thể bị kim tiền của ông chủ che khuất lấp, làm mờ đi trách nhiệm?

Theo Luật bảo vệ môi trường, có 129 dự án ngành nghề (từ việc chế biến thực phẩm của nhà hàng, quán ăn đến việc bán vật tư nông nghiệp, các dự án thủy điện, nhiệt điện…) tiên quyết phải thực hiện việc đánh giá tác động môi trường, thông qua bản báo cáo ĐTM nộp cho các cơ quan chức năng là cấp xã, huyện, tỉnh, bộ.

Ước tính mỗi năm có khoảng 600 ĐTM cấp trung ương, còn cấp tỉnh là gần 6.000 và cấp huyện, xã là khoảng 60.000 ĐTM được thực hiện và phê duyệt.

Và những báo cáo với quá nhiều “lỗ hổng trách nhiệm” như hiện nay thì đã có bao nhiêu ĐTM được dễ dàng thông qua?

NGUYỄN ĐỨC TUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên