06/07/2017 10:57 GMT+7

Doanh nghiệp xác sống

TRẦN NGỌC THƠ
TRẦN NGỌC THƠ

TTO - Bắt đầu hoạt động từ năm 2012 và từ đó đến nay, Đạm Ninh Bình liên tục làm ăn thua lỗ, đến giờ đã lên đến khoảng 2.000 tỉ đồng.

Sạt lở đọng nước trong khuôn viên nhà máy 11.000 tỉ đồng - Ảnh: Đức Minh

Chưa hết, theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) - công ty mẹ của Đạm Ninh Bình, dự kiến 5 năm tới dòng tiền của Đạm Ninh Bình vẫn tiếp tục âm và không thể tự trả được nợ.

Như vậy dự kiến sẽ có đến 10 năm liên tục Đạm Ninh Bình rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ nặng và dòng tiền âm (thu không đủ chi). Bộ Công thương và Vinachem vì vậy đã đề nghị Chính phủ đứng ra trả nợ thay 125 triệu USD cho đối tác Trung Quốc.

Ở góc độ doanh nghiệp, nếu 2-3 năm có dòng tiền âm thì gọi là “kiệt quệ tài chính”, 5 năm có dòng tiền âm là “đại kiệt quệ tài chính” và có xác suất rất cao rơi vào tình trạng phá sản. Nay Đạm Ninh Bình, dù đã nhận được tất cả ưu ái từ sự hỗ trợ của Nhà nước, vẫn có đến 10 năm liên tục làm ăn thua lỗ thì chỉ có thể gọi đó là “doanh nghiệp xác sống” trăm năm mới thấy trên đời.

Mọi giải pháp kéo dài tình trạng doanh nghiệp xác sống chẳng những tiếp tục gây ra thiệt hại to lớn cho ngân sách mà còn trái với lẽ tự nhiên và hoàn toàn đi ngược lại với chủ trương kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) yếu kém theo cơ chế thị trường mà Chính phủ đã liên tục cam kết.

Câu hỏi khó nhất bây giờ là: giả dụ đến hạn trả nợ cho đối tác Trung Quốc mà Đạm Ninh Bình và Vinachem không có khả năng trả được nợ thì liệu Chính phủ có trả nợ thay?

Câu trả lời sẽ là không.

Việc tuyên bố không trả nợ thay, mặc dù đây là dự án do Chính phủ bảo lãnh, có thể gây ra những thiệt hại về mặt uy tín trong ngắn hạn nhưng về dài hạn, uy tín của Chính phủ có khả năng tăng lên rất cao.

Trong mắt các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, giờ đây một Chính phủ kiến tạo thật sự đã bắt đầu hình thành và làm đúng những gì mình đã cam kết trước đó là tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế.

Trong trường hợp của Đạm Ninh Bình và hàng loạt dự án thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng thuộc khu vực DNNN như hiện nay, nguồn để trả nợ và giải pháp xử lý cần tuân theo những nguyên tắc: tuyệt đối không được sử dụng vốn ngân sách để trả nợ thay cho các DNNN làm ăn thua lỗ.

Tuyệt đối không được bán các tài sản khác hoặc điều chuyển các nguồn vốn khác thuộc Vinachem để trả nợ thay cho Đạm Ninh Bình.

Trong điều kiện đó, nguồn duy nhất để trả nợ chỉ đến từ chính nội bộ Đạm Ninh Bình thông qua quá trình tái cấu trúc, bán, thanh lý, phá sản. Thậm chí không loại trừ biện pháp dùng tiền của những ai gây ra thiệt hại để trả nợ.

Nếu vẫn không đủ tiền trả nợ thì Chính phủ dùng đến kênh ngoại giao để thuyết phục. Một đối tác quốc tế có thiện ý sẽ dễ dàng thông cảm và tạo điều kiện thuận lợi để Chính phủ hướng đến những mục tiêu cải cách DNNN mang tính dài hạn (Chính phủ có muốn trả nợ cũng không thể do trần nợ công đã chạm ngưỡng).

Đạm Ninh Bình phải là trường hợp đầu tiên mà Chính phủ cần đưa ra những thông điệp cứng rắn như thế. Khi được đối xử bình đẳng như với các thành phần kinh tế khác, các DNNN nếu muốn tồn tại chỉ còn cách duy nhất là làm một cuộc đại cải cách trong quản trị doanh nghiệp, thay vì luôn ở tâm thế ỷ lại như hiện nay. Một mũi tên bắn ra mà trúng được nhiều đích thì sao lại không làm?

TRẦN NGỌC THƠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên