28/06/2017 10:58 GMT+7

Bớt quy định khác thường mới tạo sân chơi sòng phẳng

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Phải bớt đi những quy định khác thường, thêm nhiều quy định hợp lý, khi đó mới tạo ra sân chơi sòng phẳng cho mọi doanh nghiệp, bảo vệ tối đa người tiêu dùng.

Việc Bộ Y tế chuẩn bị bãi bỏ khái niệm “sữa tiệt trùng” và thay bằng “sữa hoàn nguyên” và “sữa hỗn hợp” sẽ dẫn đến một số doanh nghiệp sản xuất sữa phải thay đổi nhãn mác, bao bì nhưng nhìn chung nhiều người cùng hưởng lợi.

Gọi đúng tên sữa, người tiêu dùng yên tâm hơn khi chọn mua sữa tươi vì được làm từ sữa tươi, chứ không phải băn khoăn là có phải được làm từ sữa bột như hiện nay. Người nông dân được lợi vì các doanh nghiệp sản xuất sẽ phải hợp tác với họ nhiều hơn trong chăn nuôi để có nguồn sữa tươi, hiện chỉ đáp ứng 40% nhu cầu trong nước.

Đó cũng là cơ hội để phát triển ngành chăn nuôi lấy sữa ở trong nước, tạo thêm nhiều công ăn việc làm ở nông thôn…

Việc định nghĩa lại tên theo nguồn gốc sản phẩm sữa là xu hướng bắt buộc trong ngành chế biến thực phẩm, khi nhà sản xuất nhận ra rằng càng minh bạch thông tin với người tiêu dùng thì cảm tình của họ với sản phẩm cũng tăng lên.

Nhưng thực trạng không rõ ràng về nguồn gốc sữa thời gian qua cũng có phần trách nhiệm của Bộ Y tế khi ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa dạng lỏng.

Theo đó, ngoài ghi thành phần dinh dưỡng, nhà sản xuất phải ghi thêm “sữa tiệt trùng” hoặc “sữa thanh trùng” trên bao bì. Chính quy định này đã làm cho sữa nước thường bị mập mờ về nguồn gốc nguyên liệu là sữa tươi hay sữa bột.

Nhiều nước trên thế giới gọi sản phẩm sữa khác với Việt Nam vì họ theo các tiêu chuẩn của Codex (Bộ quy ước chung về thực phẩm). Theo đó, việc phân loại sữa và tên gọi theo bản chất của sữa như sữa tươi, sữa tách béo, sữa hoàn nguyên, sữa hỗn hợp, sữa cô đặc…

Tùy từng loại mà các sản phẩm sữa có cách ghi nhãn phù hợp với tên và cách phân loại sữa này.

Tất nhiên, ngoài đặt tên và ghi nhãn, các sản phẩm sữa đều phải tuân thủ yêu cầu về các chỉ tiêu lý hóa về dinh dưỡng, đảm bảo không bị nhiễm kim loại nặng, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật… Còn thanh trùng hay tiệt trùng chỉ là các phương pháp xử lý sữa để đáp ứng được các yêu cầu nói trên.

Do đó, nhà sản xuất có thể bổ sung thông tin này trên nhãn sản phẩm cho người tiêu dùng biết thêm thông tin về sản phẩm chứ không đưa vào tên gọi phân loại sữa.

Như vậy, việc loại bỏ tên sữa tiệt trùng sang “sữa hoàn nguyên” và “sữa hỗn hợp” mà Bộ Y tế chuẩn bị tiến hành thực tế là bỏ đi một yêu cầu không cần thiết đối với nhà sản xuất để chuyển sang cách quản lý gần với các quy định của quốc tế hơn.

Nhưng không chỉ có ngành sữa, nhiều quy định về công bố phù hợp an toàn thực phẩm, quy định về nhãn mác, kiểm nghiệm với thực phẩm đang được áp dụng chỉ có tại Việt Nam, không giúp đảm bảo an toàn thực phẩm mà còn gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Như quy định về công bố phù hợp an toàn thực phẩm doanh nghiệp phải tốn đến 4-5 tháng mới hoàn thành.

Là quy định xin giấy phép cho nguyên liệu đầu vào của một sản phẩm phải mất 300 ngày mới hoàn thành như đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ phản ảnh. Hay quy định kiểm tra gần như 100% lô hàng thực phẩm nhập khẩu nhưng chỉ chủ yếu dùng “tay và mắt”…

Phải bớt đi những quy định khác thường, thêm nhiều quy định hợp lý, khi đó mới tạo ra sân chơi sòng phẳng cho mọi doanh nghiệp, bảo vệ tối đa người tiêu dùng.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên