05/06/2017 10:24 GMT+7

Đòi hỏi từ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%...

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - Đừng chung chung kiểu “năm ưu ba khuyết”, “cơ bản hoàn thành, nhưng còn tồn tại”... Thước đo đánh giá người không hoàn thành nhiệm vụ chính là những con số rất cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực đóng góp chung vào mục tiêu 6,7%.

Theo dõi thông tin cuộc họp Chính phủ bàn về kinh tế - xã hội ngày 3-6, nhiều người chú ý hai chi tiết được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập: “thống nhất thực hiện quyết liệt các giải pháp để đạt tăng trưởng 6,7%” và “tôi đã điện cho anh Nguyễn Ngọc Thiện (bộ trưởng Bộ VH-TT&DL) cho thôi giữ chức đối với ông cục trưởng (Cục Nghệ thuật biểu diễn, liên quan việc cấp phép tác phẩm)”.

Hai chi tiết này khiến người nghe cảm nhận nó liên quan đến nhau và từ đây truyền đi những thông điệp mạnh mẽ rất cần thiết, không chỉ trong bối cảnh hiện nay mà cả tương lai.

Trước hết phải nhắc đến tăng trưởng kinh tế 6,7% - mục tiêu cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là cơ quan quản lý, các địa phương có trách nhiệm tìm cách thực hiện.

Có lý do chính đáng để cả nước nỗ lực thực hiện mục tiêu này nhằm đem lại cuộc sống tốt hơn cho mọi người.

Đó là thêm doanh nghiệp ra đời, phát triển chứ không phải sống lây lất; tạo thêm nhiều việc làm; giá cả, tỉ giá, lãi suất ổn định để mọi người không phải hồi hộp lo lắng; nông sản không bị dội chợ; mở thêm thị trường xuất khẩu, cơ hội cho mọi doanh nghiệp phát triển...

Tất cả những cơ hội tốt đẹp nêu trên nằm trong con số 6,7%. Nếu không đạt được, từng người, từng doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn. Giả sử kinh tế ì ạch, doanh nghiệp khó khăn, người lao động khó tìm việc làm; để xảy ra lạm phát cao sẽ làm teo tóp túi tiền của đại đa số người dân...

Vì vậy chúng ta không chấp nhận sự trì trệ, cung cách quản lý “chậm lụt mặc bay, ta vẫn yên vị”. Người không hoàn thành nhiệm vụ phải đi làm việc khác, nhường chỗ cho người biết làm, làm có trách nhiệm, tận tụy để công việc không chỉ trôi chảy mà còn tạo điều kiện tốt nhất cho mọi doanh nghiệp, người dân làm ăn.

Thước đo đánh giá người không hoàn thành nhiệm vụ chính là những con số rất cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực đóng góp chung vào mục tiêu 6,7%. Sẽ không có những cách đánh giá chung chung kiểu “năm ưu ba khuyết”, “cơ bản hoàn thành, nhưng còn tồn tại”, cũng không thể đổ lỗi cho sự chậm chạp do khách quan.

Muốn vậy, người có trách nhiệm phải nắm, hiểu được việc làm của “tư lệnh” ngành ở các cấp mà mình đã giao nhiệm vụ để biết ai làm được việc, ai trì trệ. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Thủ tướng, các phó thủ tướng biết hết từng cục trưởng, vụ trưởng chứ không chỉ biết đến cấp bộ trưởng, thứ trưởng đâu”.

Một khi lãnh đạo các bộ, UBND các tỉnh, sở ngành... theo sát kết quả điều hành, thấy người được giao việc không làm tốt, đã chia sẻ, tháo gỡ mà vẫn ì ạch thì phải bị xử lý.

Với trường hợp cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa phải thôi chức, nếu cứ để tại vị, có lẽ xã hội còn phải đau đầu bởi những quyết định chẳng ra đâu. Nhưng mà, chuyện ấy vừa xong, dư luận lại đau đầu với chuyện yêu cầu kiểm điểm, xử lý người phát biểu trong tọa đàm, cũng ở Bộ này...

Con tàu đất nước phải tiến về phía trước, do vậy không có chỗ cho những “tư lệnh” không làm được việc, làm hỏng việc, kể cả những cán bộ ề à. Đó là thông điệp mạnh mẽ mà mọi người, cả xã hội đang trông đợi trở thành hiện thực.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên