19/05/2017 10:58 GMT+7

Tăng thuế phải thận trọng

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - Nhiều người chắc chắn chưa thông trước đề xuất tăng khung thuế môi trường đối với xăng dầu bởi hai lý do: tên gọi “thuế môi trường” và khung thuế tăng thêm quá cao, tối đa 8.000 đồng/lít.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam ủng hộ đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tại hội thảo ngày 16-5 - Ảnh: N.AN
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam ủng hộ đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tại hội thảo ngày 16-5 - Ảnh: N.AN

Không ít người chất vấn vì sao thu nhiều nhưng chi ít cho môi trường, cần minh bạch trong sử dụng, không để tăng thu mà môi trường vẫn ô nhiễm...

Thật ra tên gọi thuế môi trường chỉ là “bình phong” cho loại thuế mới nhằm thay thế cho thuế nhập khẩu hàng hóa bị cắt giảm theo lộ trình cam kết với quốc tế. Khi chưa hội nhập, người dân mua hàng hóa nhập khẩu phải chịu thuế khá cao, như thuế hàng điện tử 40% rồi giảm xuống 20% và nay gần như không phải chịu thuế.

Nhưng cái gì cũng có giá của nó, người dân được xài hàng rẻ thì ngân quỹ nhà nước teo tóp. Càng hội nhập sâu, không còn thuế nhập khẩu, nếu không có nguồn bù đắp, đến lúc nào đó ngân sách nhà nước sẽ cạn kiệt.

Nhà nước chỉ có hai lựa chọn: tăng thuế trong nước hoặc vay nợ để chi tiêu. Vì vậy, phương án tăng thuế đã và sẽ còn được đặt ra.

Có thể nói xu hướng giảm thuế sắp qua rồi. Sau thời gian cắt bên ngoài, đã đến lúc Nhà nước phải tăng thuế bên trong. Tới đây, người dân phải chi nhiều hơn để giúp ngân sách rủng rỉnh trở lại và thuế môi trường là khoản thu tiềm năng, chẳng ai tránh được, không khác gì thuế nhập khẩu. Trước cứ mua hàng nhập khẩu là nộp thuế thì nay nổ máy xe là đóng thuế.

Và lộ trình tăng khung thuế môi trường chưa hẳn đã dừng lại khi Bộ Tài chính cho biết thuế mới chiếm 37% trên giá xăng, thấp hơn các nước như Campuchia, Lào, Hàn Quốc... Và vì thế, mục tiêu thuế phải chiếm 50% giá xăng dầu cũng đã được nêu ra.

Vậy về lâu dài còn gì nữa? Đó là thuế thu nhập cá nhân, diện thu sẽ rộng hơn, không loại trừ đến lúc nào đó thuế suất sẽ tăng lên ở một số bậc, đó là nguồn thu chủ lực của Nhà nước, bên cạnh thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt...

Có đánh vào hàng hóa tiêu dùng sát sườn với người dân như xăng dầu, ôtô, xe máy... mới có được nguồn thu ổn định. Không có gì lạ khi thuế tiêu thụ đặc biệt lại được mở rộng ra với máy lạnh, bên cạnh thuốc lá, rượu bia, vàng mã...

Giảm thuế thì dễ, tăng thuế để mọi người thông là cực khó. Thuế môi trường đã được ban hành từ năm 2012, nay chỉ là tăng thêm khung thuế nhưng những thắc mắc về tên gọi của loại thuế này vẫn không dứt.

Biết rằng Bộ Tài chính đã có câu trả lời, như trước đây bộ này nói rằng thuế thu nhập cá nhân là để tạo công bằng xã hội, điều tiết của người có thu nhập cao nhưng không có nghĩa là tiền thu được chỉ để chăm lo cho người thu nhập thấp. Với thuế môi trường, câu trả lời cũng tương tự.

Tăng thuế, quả là chẳng dễ chịu chút nào. Bởi thế mức tăng bao nhiêu phải hết sức cân nhắc, nhất là đối với xăng dầu. Có tính toán rằng tăng khung thuế lên tối đa 8.000 đồng/lít, thuế môi trường Nhà nước thu được có thể gấp 3 lần hiện nay, ước khoảng 5 tỉ USD.

Phải nộp thêm hàng tỉ USD, chắc chắn ảnh hưởng đến sức mua của từng người dân và sản xuất kinh doanh.

Khung thuế 8.000 đồng/lít là tối đa, không có nghĩa là áp ngay mà phải tùy vào “sức khỏe” của nền kinh tế, phải cực kỳ linh hoạt, không vì sức ép chi mà áp thuế cao để tăng thu, nếu không chỉ được trước mắt nhưng mất về lâu dài.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên