15/05/2017 16:31 GMT+7

Kiếm chác từ đất vàng

TRẦN NGỌC THƠ
TRẦN NGỌC THƠ

TTO - Những kẽ hở thất thoát do nạn thâu tóm đất vàng khi cổ phần hóa làm tài sản của Nhà nước bị phù phép vào tay các nhóm lợi ích, biến thành các dự án bất động sản, trung tâm thương mại...

Việc ngăn thu gom đất vàng khi cổ phần hóa đã được tiếp sức từ nghị quyết trung ương 5 về tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.

Theo đó, sẽ khắc phục tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) móc ngoặc để hình thành nhóm lợi ích, sân sau để thao túng hoạt động của DNNN, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí...

Để làm được việc này, phải xác định cụ thể phương án sử dụng đất của DNNN khi cổ phần hóa, phần đất dôi dư dứt khoát phải thu hồi. Không quá khó để xác định diện tích đất cần để lại cho DN sau cổ phần hóa.

Cơ sở để xác định đó là đối chiếu tốc độ tăng trưởng doanh thu, thị phần, lợi nhuận... trung bình 5-10 năm trước khi cổ phần hóa với phương án sau cổ phần hóa. Những phần đất bấy lâu nay cho thuê, không sử dụng và cũng không có khả năng sử dụng phải trả lại cho Nhà nước.

Các thông tin liên quan vấn đề này phải công khai để mọi người giám sát. Có làm thế mới ngăn được sự móc ngoặc hoặc tiếp tay từ cơ quan quản lý hòng găm, chiếm đất để sau này kiếm chác.

Nhưng vậy cũng chưa hẳn đảm bảo là không có tình trạng xuê xoa, chạy chọt để vẽ ra những phương án sử dụng đất hoành tráng nhằm chiếm giữ đất vàng sau này sang tay kiếm lợi. Do vậy, cần thiết phải có hậu kiểm sau cổ phần hóa.

DN phải định ra khung thời gian sử dụng đất sau cổ phần hóa. Nhà nước sẽ tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện DN đăng ký cao nhằm găm giữ thì Nhà nước phải thu hồi đất và tài sản dôi dư ra. Khi đã đưa vào diện thu hồi, nếu DN muốn sử dụng thì phải đấu giá theo thị trường, xem như đó là hình phạt vì để đất lãng phí, nếu có châm chước thì chỉ ưu tiên được đăng ký mua trước.

Chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến cho rằng đã cổ phần hóa thì phải dứt dạt, sao lại còn nhăm nhe thu hồi? Nhưng cũng phải nêu câu hỏi: ai đảm bảo rằng các phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa được duyệt là vô tư, là không cài cắm vào đó các nhóm lợi ích, sân sau...?

Và để hậu kiểm hiệu quả, cần buộc phải có giải trình trách nhiệm định kỳ. Định kỳ 6 tháng hoặc ít nhất mỗi năm, DNNN cổ phần hóa phải có những phiên giải trình trách nhiệm về sử dụng đất.

Chỉ có kiên quyết và cứng rắn như thế sẽ khiến các cổ đông và các nhà đầu tư không thông đồng với lãnh đạo DNNN với ý đồ chủ yếu là thâu tóm đất vàng chứ không nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động so với trước cổ phần hóa.

Điều cuối cùng nhưng không kém quan trọng, đó là DNNN cổ phần hóa phải đúng nghĩa là công ty cổ phần với đa sở hữu và cổ phiếu phải niêm yết trên thị trường chứng khoán. Hoạt động niêm yết sẽ giúp các nhà đầu tư giám sát, qua đó chấm dứt mối liên hệ giữa DNNN với các bộ ngành quản lý.

Khi mối liên hệ này vẫn còn tồn tại, tài sản của Nhà nước dễ dàng bị phù phép để vào tay các nhóm lợi ích, biến thành các dự án bất động sản, trung tâm thương mại...

Những kẽ hở thất thoát do nạn thâu tóm đất vàng khi cổ phần hóa đã được nhìn thấy từ lâu. Cũng đã có thuốc để bịt những rò rỉ, thất thoát này. Vấn đề quan trọng là sớm triển khai tinh thần của nghị quyết trung ương 5 để xóa sạch nhóm lợi ích, nạn sân sau đang đục khoét để làm giàu trên tài sản của Nhà nước.

TRẦN NGỌC THƠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên