25/04/2017 10:40 GMT+7

Để đừng phải điểm chỉ nữa!

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - Nhân loại bước vào thế kỷ 21 với sự thay đổi xu hướng giải quyết tranh chấp “hiền hòa”, sao cho hai bên đều cảm thấy được chứ không thấy mất, như đã và đang thấy qua các khủng hoảng quốc tế quan trọng.

Người dân thôn Hoành ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngồi xem tin tức sau khi 19 cán bộ, chiến sĩ bị giữ bước ra khỏi nhà văn hóa thôn Hoành và chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân trong vụ giữ người này - Ảnh: Quang Thế

Câu chuyện “điểm chỉ” như là một thủ tục cần thiết để “làm tin” là một cái kết có hậu cho vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm. Thế nhưng vẫn còn đó “vấn đề của mọi vấn đề” không chỉ ở xã này, mà còn ở nhiều nơi khác còn trong tình huống gay cấn tương tự.

Vấn đề là ở đâu cũng có những xung đột lợi ích giữa người dân sở tại vốn là những chủ đất trên văn tự đất đai hay trong thực tế khai khẩn, canh tác, sinh sống cho tới khi xuất hiện những dự án có giấy phép đầu tư đóng mộc đỏ và các nhà đầu tư, qua tờ giấy phép đó, sẽ là chủ các dự án resort, khách sạn, biệt thự, chung cư... hoặc chủ khu công nghiệp từ giờ trở đi.

Xung đột lợi ích là đương nhiên, tất yếu, không tránh khỏi khi một bên muốn giữ mảnh đất của mình, có khi là từ cha ông mình, muốn được đền bù với những giá biểu xứng đáng; còn bên kia thì càng “rẻ bèo” càng hay.

Xung đột càng dễ nổ ra khi thay vì đứng giữa làm trung gian, một vài chính quyền địa phương lại “vội vã” đưa ra giá đền bù mà dân chúng địa phương cho là quá rẻ, hoặc xông xáo cưỡng chế hơn mức cần thiết.

Thậm chí ngay cả dự án quốc phòng, nếu xử lý không minh bạch trên tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì cũng dễ xảy ra xung đột.

Đây là một vấn nạn “lâu đời” và không “nhẹ nhàng” chút nào, đến nỗi ngay từ năm 2011 Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã nghiên cứu những “bất cập đền bù đất đai kìm hãm phát triển kinh tế Việt Nam”.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, vấn đề giá đất để tính bồi thường vẫn là vấn đề bức xúc nhất hiện nay ở các địa phương, khi mà trên 80% ý kiến trả lời đều không hài lòng.

Lý do của giá đất cứ bất cập, nghiên cứu giải thích: “Do chưa có quy định cụ thể về quy trình xác định giá đất nên mỗi địa phương cấp tỉnh đưa ra cách giải quyết khác nhau. Đại đa số trường hợp đều có biểu hiện áp đặt giá đất theo quyết định hành chính, thiếu phù hợp với các quy luật của cơ chế thị trường”.

Thiết tưởng nghiên cứu này lẽ ra đã là “sách đầu giường” của các viên chức có chức trách liên quan đến lĩnh vực này, để đừng cứ đổ theo các vết xe cũ.

Nếu được như thế, tức lắng nghe các khuyến cáo của WB và tìm cách thực hiện, ắt hẳn sẽ bớt những lý do để xung đột mà một bên cho là “bị xử ép”, còn bên kia cho là “đòi hỏi vô lý”.

Thật ra, nếu nhận thức rằng nay không còn là thời đại của xu thế gọi là “zero sum” (tổng bằng không), trong đó một bên sẽ được tất cả, còn một bên mất sạch, sẽ chỉ dẫn đến xung đột, loại trừ lẫn nhau; mà là của “win-win solution” (sao cho hai bên đều cảm thấy được chứ không thấy mất).

Nhân loại bước vào thế kỷ 21 với một sự thay đổi xu hướng giải quyết tranh chấp “hiền hòa” như thế, như đã và đang thấy qua các khủng hoảng quốc tế quan trọng.

Trong thực tế của vấn đề đất đai ở Việt Nam và cả các vấn đề khác liên quan, trong đó có vấn đề môi trường và ô nhiễm cùng đền bù, những thách thức chọn lựa kiểu “chọn nhà máy hay bắt cá, làm ruộng?” là những di tích của kiểu “tổng bằng không” lạc hậu, song lại cứ kéo dài.

Sự kéo dài đó chỉ dẫn tới tranh chấp, xung đột, rối loạn và những bất trắc không đáng có và không cần thiết.

Hãy chuyển qua xu hướng “hai bên cùng được” để dễ giải quyết trong công bằng và nhân ái các vấn đề không thể không phát sinh mỗi khi xuất hiện một dự án, từ đền bù đến tác động môi trường...

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên