21/04/2017 10:20 GMT+7

Không ăn bánh, sao phải trả tiền?

HOÀNG TRINH
HOÀNG TRINH

TTO - Việc bố trí trạm BOT để thu phí trên đoạn đường không phải của dự án, không được sử dụng là lạm thu, trái với quy định pháp luật.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19-4 về công tác tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016, nhiều ý kiến chỉ ra rằng việc đặt quá nhiều trạm thu phí BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) gây bức xúc cho xã hội.

Theo kết quả kiểm toán nhà nước, nhiều dự án trong 27 dự án BOT phải rút ngắn từ 5-7 năm thu phí, tổng cộng tất cả các dự án phải giảm hơn 100 năm thu phí!

Quả thật, việc các trạm thu phí lạm thu đang là câu chuyện thời sự trong những ngày qua.

“Việc đặt các trạm thu phí còn nhiều bất cập gây bức xúc trong nhân dân ở nhiều địa phương như Hòa Bình, Phú Thọ, Nghệ An và Thái Bình...” - ông Nguyễn Đức Hải, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội, cho hay.

Những ngày qua, người dân nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị... đã phản ứng mạnh mẽ việc thu phí giao thông đường bộ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư theo hình thức BOT.

Lý do người dân từ chối mua phí là vì họ không sử dụng đường giao thông nhưng vẫn bị thu phí. Điều này trái với cả quy tắc kinh doanh lẫn quy định pháp luật.

Xét dưới góc độ pháp luật, theo quy định khoản 1 điều 2 Luật phí và lệ phí năm 2015, phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong danh mục phí ban hành kèm theo luật này.

Mặt khác, thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ, đã quy định rất rõ đối tượng chịu phí là người Việt Nam và nước ngoài trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ khi đi qua trạm thu phí.

Như vậy, theo các quy định trên thì cơ quan nhà nước hoặc tổ chức được cơ quan nhà nước giao thẩm quyền chỉ được quyền thu phí khi đã cung cấp dịch vụ cho người dân, tổ chức một cách trực tiếp tại thời điểm thu phí.

Do đó, người dân không sử dụng đường giao thông BOT, không được cung cấp dịch vụ mà doanh nghiệp vẫn thu phí là bất hợp lý, trái với quy định pháp luật.

Trong khi đó, dưới góc độ nguyên tắc kinh doanh, việc thu phí dịch vụ khi khách hàng không sử dụng dịch vụ lại càng vô lý.

Bởi vì, người dân không được sử dụng cầu, đường thì lấy cơ sở nào để thu phí? Đặc biệt, các công trình giao thông này được thực hiện theo hình thức BOT.

Về nguyên tắc thì ai sử dụng phần xây dựng được phép của dự án đều phải trả phí cho nhà đầu tư, và ngược lại nhà đầu tư chỉ được thu phí phần xây dựng nằm trong dự án mình được cấp phép.

Nghĩa là khi nào người dân trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông đi trên đoạn đường đó thì mới phải nộp phí.

Việc bố trí trạm BOT để thu phí trên đoạn đường không phải của dự án, không được sử dụng là lạm thu, trái với quy định pháp luật.

Thu phí khi không sử dụng chẳng khác nào “không ăn bánh cũng phải trả tiền”, thậm chí là “cướp không” tiền của người dân.

Để chấm dứt tình trạng lạm thu, kéo dài “tuổi thọ” thu phí ở các trạm BOT, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng rà soát để dẹp bỏ tình trạng người dân không sử dụng đường cũng phải nộp phí nhằm đảm bảo quyền chính đáng của cá nhân, tổ chức.

Đồng thời phải có hình thức chế tài các tập thể, cá nhân đã tiếp tay, cho phép các doanh nghiệp dựng trạm BOT thu phí không đúng quy định, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

HOÀNG TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên