16/01/2017 09:10 GMT+7

Lạy trời... được một mùa hoa

MAI VINH
MAI VINH

TTO - Những tuần qua, nhiều lão nông kỳ cựu phải kêu trời vì không biết thời tiết ra sao để canh cho hoa nở đúng ngày tết.

Càng phức tạp hơn khi cận tết trời lại đổ mưa. Như lời ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn - giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, biến đổi khí hậu tác động rõ trong vụ rau hoa đông xuân này và những mùa sau còn khó hơn nhiều. Lời ông Sơn dự báo không chỉ gói gọn trong mảnh đất Lâm Đồng.

Ở miền Trung, năm nào cũng vậy, cách tết hơn hai tháng nhiều nông dân bắt đầu vào vụ hoa tết. Chạng vạng tối trước ngày xuống giống, họ lập bàn thờ khấn lạy trời đất cho mưa thuận gió hòa để hoa ra đúng ngày bán tết. Người trồng hoa ở Tây Nam bộ cũng làm thế, đến khi đưa bông lên thuyền chở về TP.HCM bán họ còn cúng cầu cho buôn may bán đắt.

Nhưng không như trước, thị trường, người tiêu dùng đòi hỏi khắt khe hơn, ông trời càng khó tính hơn nên nông dân không thể sản xuất theo kiểu cầu may, trao hết vốn liếng cho ông trời.

“Cần thích nghi với biến đổi khí hậu bằng nông nghiệp kiểu mới” - Yuko Morita, chuyên viên nông nghiệp của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam, nói.

20 năm trước, Đà Lạt cũng như những nông dân khác canh tác theo kiểu phó mặc cho trời. Rồi những trận mưa đá làm tan hoang vườn hoa khiến nhà nông ở Đà Lạt nghĩ đến sự thay đổi.

“Phải chủ động, bớt lệ thuộc vào thời tiết, họ đã dựng lên những khu nhà lưới, nhà kính để trồng hoa, rau. Rồi giống, kỹ thuật canh tác mới cũng được áp dụng” - Yuko nói.

Kết quả là không mùa nào người Đà Lạt thiếu rau, hoa trên mảnh đất của mình, ngoại trừ những lúc bão lũ nằm ngoài khả năng chống chọi của người dân.

Thế nhưng tại sao chỉ có người trồng hoa Đà Lạt làm nhà lưới, nhà kính? Tại sao trong lúc nhiều nơi nhà nông thấp thỏm, như ngồi trên lửa vì bao vốn liếng của mình đang chịu rát mặt vì thời tiết thay đổi thì ở nhiều khu nhà kính tại Đà Lạt, hoa cứ đúng hẹn là nở. Cái khác nhau đó là nhà nông Đà Lạt đã tự tạo ra thời tiết cho cây trồng của mình với hệ thống phủ ẩm, khử ẩm, sưởi và cả làm lạnh.

Bởi vậy sau nhiều năm làm tư vấn nông nghiệp ở Việt Nam, đi nhiều vùng miền khác nhau, chuyên gia Yuko nhận xét rằng đáng buồn thay, chỉ có Đà Lạt mới chú ý đến dựng khu nhà kính có giá tương đối rẻ, nhanh thu hồi vốn nhưng có khả năng tạo nên những đới khí hậu riêng biệt ngay trên từng thửa ruộng để đáp ứng cho từng loại cây khác nhau.

Yuko cũng thông tin thêm rằng có rất nhiều loại rau, hoa đang được canh tác rộng rãi ở nhiều tỉnh thành có thể áp dụng nhà kính, nhà lưới để che nắng che mưa và xa hơn là có thể điều chỉnh “khí hậu” ở bên trong để cho những mùa bội thu.

Xem ra chuyện làm nông không lệ thuộc vào thời tiết ở trong tầm tay. Nếu không thay đổi, những tiếng khóc giữa vườn, giữa chợ mùa tết sẽ còn lặp lại. Nhưng nhà nông chưa đủ sức để đưa công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất, họ đang cần giúp sức, không chỉ vốn, kỹ thuật, mà cả kinh nghiệm trong ứng dụng các kỹ thuật canh tác mới.

Thiếu sự tiếp sức này, quá trình đưa công nghệ mới vào thay thế “ông trời” sẽ ì ạch và nông dân sẽ còn mãi phải cầu trời cho được mùa hoa.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên