23/12/2016 08:01 GMT+7

Đằng sau “bức tranh chung” thực trạng môi trường

NGUYỄN ĐỨC TUYÊN
NGUYỄN ĐỨC TUYÊN

TTO - “Bức tranh chung” ấy dù chưa công bố rộng rãi nhưng người dân cũng có thể thấy, cảm được nó không mang một gam màu tươi sáng. Vì sao “bức tranh môi trường” trở nên u ám?

Mới đây, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có buổi kiểm tra đối với Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT). 

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết sau sự cố về môi trường biển (do Formosa gây ra tại bốn tỉnh miền Trung), theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, bộ đã kiểm tra 336 doanh nghiệp có xả thải từ 500m3 trở lên mỗi ngày.

Và nếu chiếu theo quy định của luật thì có tới 90% doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu về môi trường. Bộ sẽ có báo cáo cụ thể lên Thủ tướng Chính phủ để thấy được “bức tranh chung” về thực trạng môi trường hiện nay và đề xuất các giải pháp.

“Bức tranh chung” ấy dù chưa công bố rộng rãi nhưng người dân cũng có thể thấy, cảm được nó không mang một gam màu tươi sáng. Vì sao “bức tranh môi trường” trở nên u ám?

Đó có phải là do cơ chế quản lý của chúng ta hiện nay quá lỏng lẻo, lỏng lẻo ngay từ khâu thực hiện và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án?

Việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án, hiện nay được chính doanh nghiệp đầu tư dự án đó bỏ tiền ra thuê một đơn vị nào đấy thực hiện.

Như vậy đơn vị làm báo cáo đánh giá tác động môi trường có dám thực hiện trái với ý đồ của chính doanh nghiệp - ông chủ bỏ tiền ra thuê mình hay không? Hay thay vào đó là những nội dung vuốt ve, các số liệu đẹp, những câu chữ khỏa lấp nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có thể xảy ra?

Thực tế cho chúng ta thấy đã có những bản báo cáo đánh giá tác động môi trường “đẹp” na ná, sao chép nhau được trình lên hội đồng xét duyệt, những bản báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt thông qua một cách vội vàng, chưa đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi về mặt pháp lý cũng như khoa học.

Ấy là báo cáo đánh giá tác động môi trường của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, bản báo cáo dự án “lấp sông Đồng Nai”, dự án Nhà máy giấy Lee & Man đang bị Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) yêu cầu làm lại bởi “đã có những bất cập trong công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo tác động môi trường” trước đó...

Việc để các báo cáo đánh giá tác động môi trường của những dự án được thông qua khá đơn giản dường như đã tạo điều kiện dễ dãi cho các doanh nghiệp vi phạm Luật bảo vệ môi trường.

Chưa kể hiện nay, quá trình giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp cũng còn rất hạn chế.

Rất nhiều vụ việc xả thải, giết chết môi trường gần đây được phát hiện đều cho thấy các ngành, các cấp, nhất là cơ quan quản lý môi trường ở các tỉnh thành chưa giám sát, kiểm soát chặt những hoạt động về môi trường của các doanh nghiệp đứng trên địa bàn.

Câu chuyện 90% trong số doanh nghiệp được Bộ TN&MT kiểm tra vừa rồi vi phạm Luật bảo vệ môi trường cho thấy việc chưa kiểm soát được quá trình vận hành hệ thống xử lý nước thải của các đơn vị này ngay từ đầu, thì liệu có giải quyết được cái gốc vấn đề hay không?

Theo TS Đào Trọng Tứ, việc quản lý của bộ này trong công tác bảo vệ môi trường hiện nay là yếu và chưa có đủ năng lực thực thi, giám sát việc xả thải của các doanh nghiệp cũng như tại các khu công nghiệp.

TS Tứ cho rằng bộ nên quan tâm đến nhân sự và đổi mới cách thức thực hiện thì mới mong giải quyết được cái gốc của vấn đề trong công tác bảo vệ môi trường hiện nay.

NGUYỄN ĐỨC TUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên