18/12/2016 09:37 GMT+7

Giúp qua lúc ngặt...

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Nhiều người miền Trung vốn đã dày dạn với thiên tai đã phải thảng thốt: “Chưa từng thấy nước lên nhanh vậy”, “Chưa từng thấy mưa lũ giấc này”, “Ông trời đã quá thay đổi...”.

Tháng 11 âm lịch là thời điểm người miền Trung thường yên tâm gieo mạ vụ đông xuân, là thời điểm rũ mấy bông vạn thọ giống lấy hạt gieo sân trước, là thời điểm chăm chút mấy gốc mai, cây kiểng, vỗ béo đàn gà, con bò, con heo... chuẩn bị đón tết.

Thế mà tháng 11 này mạ gieo năm lần đều bị nước lũ nhấn chìm; những hàng tiêu, luống hoa ngâm nước rũ lụi; gà heo bò chết đuối, cá tôm trong đầm, hồ bị cuốn trôi. Thay cho quét vôi, sửa nhà, sắm tết thì người người lần lượt phải dọn nhà, di dời vì nước lên lút nóc.

Chạy đua với nước lũ không lạ với người miền Trung, nhưng lần này nhiều người bàng hoàng. Hai tháng nay, cuối mùa mưa bão, từ Hà Tĩnh tới Ninh Thuận, từ vùng núi tới ven biển, từ đồng ruộng tới thành phố du lịch, hơn 1.000km dọc miền Trung lần lượt từng vùng không tránh khỏi nạn nước lụt, lũ cuốn.

Nhiều người miền Trung vốn đã dày dạn với thiên tai đã phải thảng thốt: “Chưa từng thấy nước lên nhanh vậy”, “Chưa từng thấy mưa lũ giấc này”, “Ông trời đã quá thay đổi...”.

“Đến cạn cả nước mắt với lũ lụt kiểu này!”, câu cảm thán của một bạn đọc bình luận dưới bài viết kể câu chuyện của cô trò Trường mẫu giáo An Hiệp (Tuy An, Phú Yên) khiến người đọc rưng rưng không chỉ vì cảnh cô giáo với mấy em bé ngoi ngóp giữa làn nước, trên nóc tủ.

“Cạn cả nước mắt” nhắc về những giọt nước mắt đã ứa ra khi chứng kiến cánh đồng, ruộng vườn, ao hồ bị nhấn chìm, nhắc về giọt nước mắt nuốt lại trước những đập thủy điện ào ạt xả lũ giữa cơn mưa lớn, về những nông dân trắng tay, những ngư dân neo thuyền treo lưới...

“Cạn cả nước mắt” không phải cách nói thậm xưng.

Người Việt trong cả nước và cả ở nước ngoài vẫn còn chưa kịp thực hiện xong những kế hoạch, dự định trợ giúp người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bị thiệt hại do ô nhiễm biển và mưa lũ thì đã đến lượt Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam, rồi lại tiếp Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận.

Lại tiếp tục những lời kêu gọi giúp đỡ, cứu trợ, quyên góp; lại tiếp tục những mách bảo về các chủng loại hàng hóa như lương khô để thay thế mì gói đã thành nỗi ám ảnh; lại tiếp tục những chuyến lên đường cứu trợ miền Trung.

Nước mắt chia sẻ không kịp lau khô, những bàn tay bước chân thiện nguyện không kịp ngơi nghỉ.

Nhưng người miền Trung thì biết rõ: giúp qua lúc ngặt chớ ai giúp được hết nghèo.

Lúc này là lúc ngặt, người dân cả nước lại chung tay, Thủ tướng kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc để lo khắc phục hậu quả, còn những đồng ruộng, ao vườn đang lầy bùn thì ở trước mặt họ, những bãi biển vẫn còn vắng cá tôm, nhà cửa đồ đạc hư hại trong chính bàn tay họ, cái nghèo tái đi tái lại trong chính cuộc đời còn dài lắm của họ...

Chính họ chứ không ai khác sẽ phải làm lại, bắt đầu lại từ đầu. Không ít người trong họ sẽ lại tìm đường tha hương. Tha hương khi mà mùa này là mùa sum họp.

Những bữa cơm gia đình tết này sẽ nhiều người vắng mặt, câu chuyện tết sẽ xoay quanh chuyện biển ô nhiễm, chuyện lũ nghịch mùa qua cả cái hạn “hăm ba tháng mười”... Nhưng có lẽ nào việc sống chung với lũ, hòa giải với lụt từ ngàn năm nay lại không thể giải quyết, để mỗi năm lại mỗi “cạn nước mắt”?

Câu hỏi không chỉ của riêng người miền Trung, không dễ trả lời. Rồi cũng phải gắng gượng để vượt lên, nhưng người dân miền Trung trông chờ những giải pháp căn cơ hơn chứ không chỉ trông chờ “giúp qua lúc ngặt”...

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên