26/11/2016 08:57 GMT+7

Áp lực cần thiết

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Trường nghề không tuyển đủ chỉ tiêu, hiệu trưởng sẽ mất chức - thông điệp mạnh mẽ từ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đang làm cho hệ thống hơn 30 cơ sở dạy nghề trực thuộc xôn xao.

Không phải vì sai phạm cá nhân, không phải vì những dấu hiệu trục lợi, tham nhũng như thường thấy mới có nguy cơ lung lay “ghế”, hiệu trưởng các cơ sở dạy nghề - là các công chức nhà nước, người đứng đầu các đơn vị - cũng sẽ phải chịu sự điều chuyển, phân công công việc khác ngay khi không hoàn thành chỉ tiêu đào tạo được giao.

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận đó là cách tạo sức ép lên cơ sở đào tạo, nhưng nếu không có sức ép, hệ thống sẽ không chuyển động.

Với mức đầu tư của Nhà nước mỗi năm hàng trăm tỉ đồng cho hơn 30 cơ sở dạy nghề, với diện tích đất được giao hơn 800.000m2, hầu hết đều có lợi thế về vị trí, được đặt ở trung tâm tỉnh, TP, bố trí ở vị trí mặt tiền quốc lộ, tỉnh lộ nhưng rốt cuộc vẫn có đến hơn một nửa số cơ sở dạy nghề không đạt chỉ tiêu được giao, không tuyển được người học.

Sự lãng phí trường kỳ ấy rất cần một áp lực đủ mạnh để thay đổi, trước hết là ở vai trò người đứng đầu.

Đành rằng khó khăn của trường nghề không phải là câu chuyện cá biệt, riêng lẻ, hi hữu. Nhưng nhìn vào hệ thống chung, vẫn không thiếu những trường tuyển vượt chỉ tiêu, người học xếp hàng mua hồ sơ để chờ được tuyển lựa.

Trường trung cấp Nghề Thái Nguyên - dù đứng chân ở một địa bàn có rất nhiều cơ sở đào tạo, lại thua thiệt nhiều mặt so với các trường lâu năm - nhưng vẫn tuyển vượt đến 200-300% chỉ tiêu được giao.

Tất cả bắt nguồn từ trăn trở không ngừng của người đứng đầu: phải gầy dựng niềm tin và hỗ trợ tối đa cho người học khi tốt nghiệp.

Đã qua rồi thời đại trường chờ ngân sách rót đầu tư, rồi lại ngồi chờ sinh viên đến nộp đơn xin học.

Tư duy chỉ bám vào vài nghề truyền thống để tồn tại cũng không còn hợp thời khi nhu cầu đời sống hiện đại đang làm xuất hiện những nghề mới.

Không chỉ hệ thống hơn 30 cơ sở dạy nghề của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, toàn bộ các cơ sở đào tạo nghề trên cả nước đang đối diện với một thách thức mới khi Cộng đồng kinh tế ASEAN đã hình thành, lao động trong các ngành công nghiệp không chỉ phải cạnh tranh với lao động trong nước mà còn phải cạnh tranh với lao động từ các nước dịch chuyển sang.

Không đổi mới từ phương thức tuyển sinh, chương trình, phương pháp đào tạo đến sự bảo đảm cần thiết cho đầu ra, sẽ rất khó thuyết phục người học chọn lựa.

“Tối hậu thư” mà Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam gửi đến các trường nghề trực thuộc, cảnh báo điều không mong muốn với người đứng đầu cơ sở đào tạo là sức ép quyết liệt, hướng tới sự thay đổi tương lai trường nghề. Một hiệu trưởng cứ tư duy “bao cấp”, chỉ ngồi chờ đợi “việc gì đến sẽ đến” liệu có ích gì với hệ thống trường nghề đang nhiều khốn khó như hiện nay?

Vì vậy, xét đến cùng, nếu không có sức ép mạnh mẽ ấy thì nhiều hiệu trưởng vẫn có thể thong thả với một nhiệm kỳ bình yên, vô tư để lại đằng sau một trường nghề hoang tàn cho người kế nhiệm...

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên