13/11/2016 10:25 GMT+7

Gieo mầm cho những chuyến trở về

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Giữa tuần, tôi đã tổ chức đi Quảng Bình để các bạn của tôi được đến tận nơi, trao quà tận tay cho bà con nghèo vùng lũ.

Tôi tin rằng qua chuyến đi này, các bạn mình sẽ được vun bồi thêm tình cảm, tích lũy thêm trải nghiệm, sự chia sẻ sẽ thêm ấm áp. Ngần đó đã là nhiều. Nhưng chúng tôi đã được nhiều hơn thế.

Đêm nằm trong phòng trọ xóm núi, thao thức đếm từng đợt mưa ào ạt liên miên trên mái tôn, thắc thỏm ngóng tin mực nước dâng lên trên từng đoạn đường, chúng tôi nghĩ đến những bà, những chị cũng đang thức như mình.

Họ đang hối hả dọn đồ đạc trong nhà lên cao hơn, dù chỉ mấy bộ quần áo cũ, những thúng mủng nồi niêu bát chén đã sứt sẹo cũ mòn, chiếc quạt máy, cái tivi “nghĩa địa”, con gà, con heo. Họ đã thức bao đêm như thế, năm này qua năm khác, từ khi còn là thiếu nữ đến lúc lưng còng tóc bạc.

Con nước mỗi lúc mỗi dữ hơn, mà ngôi nhà mỗi năm mỗi xiêu hơn. Lần dọn nhà này là lần thứ năm trong tháng rồi.

Các bạn trẻ đi cùng tôi không chỉ thở dài. Hôm sau, tôi chứng kiến họ dạo quanh thăm hỏi về thu nhập, về việc làm ở địa phương.

Lên xe, họ bàn tán sôi nổi để tìm kiếm một lối ra cho việc thoát nghèo, làm sao để những chàng trai không phải tha phương cầu thực, làm sao để phụ nữ có việc làm lúc nông nhàn, mùa bão lụt, mùa hạn hán? Làm sao để mỗi hộ dân đều có nhà kiên cố, hay chí ít có thêm nhà chống lũ?

Rất nhiều bài toán an sinh xã hội có thêm nhiều người cùng suy nghĩ, tính toán nghiêm túc từ hôm nay.

Buổi chiều đứng trước con sông cuồn cuộn mà mới đó chỉ là một con lạch nhỏ, một đoạn ngầm ngắn qua suối, bấm chân cố đứng vững trong dòng nước xiết, ngồi im giữ thăng bằng trên chiếc thuyền tôn bập bềnh, tôi hiểu chỉ một cú trượt, một chút nghiêng chao, sinh mạng mình có thể “đi” theo dòng nước.

Trong phút nín thở mong manh ấy, chúng tôi nghĩ đến bao nhiêu can đảm mà những em bé nơi đây đã phải gồng mình lên mỗi ngày đến trường trong mùa mưa lũ.

“Cầu, phải có thêm mấy cây cầu”, một bạn trong đoàn thốt lên và thách thức về ước đoán kinh phí lại bắt đầu. Hôm sau quay ra, nước rút, mấy bạn khác đã bỏ xe đi bộ, dùng sải chân để đo, với lên cành cây để biết mực nước. Cây cầu ấy đã được ghi vào kế hoạch thiện nguyện sắp tới của họ.

Những bàn tay chai sần, ướt lạnh nắm tay chúng tôi, rưng rưng mỉm cười: “O cảm ơn”.

Những bàn tay run run khi cầm lấy cây bút, bối rối nguệch ngoạc viết tên mình. Những bàn tay vươn lên cao, hân hoan thật sự trong vài phút được nghe bạn ca sĩ trong đoàn hát tặng khúc tình ca.

Không ai bảo ai mà tất cả mọi người đều quyết tâm: “Chúng mình phải mang đến cho tất cả họ sự chia sẻ và cả niềm vui”. Các o ơi, chúng con muốn được thêm một lần nắm tay o trong mưa, một lần nữa thủ thỉ như người nhà:“Xã mình, thôn mình, nhà mình...”.

Hai ngày đội mưa lội suối vào thôn đã kịp khiến những thôn làng trở thành quen, những cô bác nông dân trở thành thân, những cái tên Lâm Trạch, Tân Hóa, Cổ Liêm, Rí Rị trở thành chốn cũ.

Hôm nay, mỗi người lại quay về với công việc của mình, nhưng một phần của miền Trung đã kịp ở lại trong họ, gieo mầm cho những chuyến trở về...

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên