11/11/2016 14:34 GMT+7

Xóa bao cấp vô hình

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - Với nghị quyết về tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 được Quốc hội thông qua ngày 8-11, đèn xanh đã được bật, cho phá sản các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thua lỗ.

Nghị quyết này cũng yêu cầu xử lý dứt điểm các DNNN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường.

Thế nhưng không chỉ dừng ở việc xử lý các DNNN thua lỗ, thông qua cho phá sản, nếu làm kiên quyết sẽ chấm dứt bao cấp vô hình cho các doanh nghiệp này, qua đó thúc đẩy phân bổ lại hợp lý nguồn lực của xã hội như vốn, đất đai, cơ hội kinh doanh... cho mọi thành phần kinh tế khác được tiếp cận, trong đó có kinh tế tư nhân.

Một chủ trương nhắm đến nhiều đích, trong đó có giúp phát triển khu vực kinh tế tư nhân, giảm bớt quy mô hoạt động của DNNN.

Bao cấp “vô hình” là thế nào? Cho đến nay, xã hội đã có nếp nghĩ DNNN không thể phá sản. Vì thế, các đối tác của DNNN luôn mạnh tay đầu tư, thoáng hơn trong hợp tác làm ăn, ngân hàng cho vay mà không đòi hỏi điều kiện khắt khe về thế chấp, chỉ cần dự án được cơ quan thẩm quyền phê duyệt là rót vốn.

Họ tin rằng nếu có khó khăn, chủ sở hữu của DNNN là các bộ ngành, chính UBND các tỉnh thành... cũng tìm cách gỡ, không để “con cưng” của mình phá sản. Đây chính là khoản bảo lãnh vô hình mà Nhà nước đã cấp cho các doanh nghiệp của mình từ nhiều năm qua.

Chưa hết, DNNN luôn được giao những dự án trọng điểm, công trình lớn, được tiếp cận vốn viện trợ phát triển (ODA), vay ưu đãi, các địa phương nơi có đặt dự án của DNNN cũng sốt sắng lo về đất đai, mặt bằng...

Cứ thế, cả bộ máy chính quyền vào cuộc để hỗ trợ cho DNNN có dự án triển khai thuận lợi, cũng là “điểm cộng” để các đối tác tin tưởng rằng làm ăn với DNNN thuận lợi và ít rủi ro hơn.

Nhưng nay, theo nghị quyết của Quốc hội, DNNN cũng bị cho phá sản. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định không rót vốn để xử lý các DNNN thua lỗ.

Những quyết sách này khi triển khai sẽ xóa bỏ nếp nghĩ cũ, hình thành thói quen “phản xạ có điều kiện” là làm ăn với DNNN cũng có nhiều rủi ro. Do vậy, khi ký hợp đồng, các doanh nghiệp khác phải tính toán, tuân thủ quy luật kinh doanh để phòng ngừa bị mất vốn, vỡ hợp đồng...

Khi mọi người chặt chẽ với DNNN như bao doanh nghiệp khác, từ đó nguồn lực của xã hội sẽ được phân bổ lại, đặt đúng nơi, rót đúng chỗ, thay vì tập trung vào những doanh nghiệp kém hiệu quả. Mất bảo lãnh vô hình, chắc chắn các ngân hàng thương mại không còn thoải mái rót vốn vào DNNN.

Các địa phương không còn ưu ái giao những khu đất màu mỡ cho DNNN, mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp khác... Không còn khoản bảo lãnh vô hình, các DNNN sẽ phải lột xác, quản trị doanh nghiệp tốt hơn để thuyết phục đối tác cùng làm ăn với mình.

Cho phá sản DNNN, được nhiều hơn mất. Cái được lớn nhất là hình thành một nếp nghĩ và cách ứng xử mới sòng phẳng hơn với DNNN, không còn ưu ái, qua đó phân bổ lại nguồn lực xã hội hợp lý hơn.

Đèn xanh đã bật. Triển khai sớm, sức lan tỏa sẽ cao hơn, càng có lợi cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên