03/11/2016 13:20 GMT+7

Đừng giật mình nữa

KHIẾT HƯNG
KHIẾT HƯNG

TTO - Vụ cháy quán karaoke khiến 13 người thiệt mạng là nỗi đau của những gia đình có người thân tử vong, là sự bàng hoàng, lo lắng của nhiều người.

Karaoke không xấu, ở đâu đó karaoke có thể bị biến tướng, song nó vẫn là loại hình giải trí ưa thích của đại đa số người dân. Nhưng giải trí trong nỗi lo mất mạng bất cứ lúc nào là điều không ai muốn.

Nỗi lo đó không phải vô cớ, bởi tính từ đầu năm đến nay đã xảy ra 23 vụ cháy quán karaoke trên cả nước, làm 13 người thiệt mạng. Tại Hà Nội, giữa tháng 9 đã xảy ra cháy quán karaoke Gold trên phố Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy), may mắn không ai tử vong nhưng gây thiệt hại tới 4 tỉ đồng.

Trong bản tin tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy (PCCC) tháng 11-2016 của Cảnh sát PCCC Hà Nội, loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ được xác định tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ và nguyên nhân cháy do điện chiếm tỉ lệ cao.

Cảnh báo vậy nhưng khi vụ cháy quán karaoke 68 trên phố Trần Thái Tông còn chưa giải quyết xong, chiều qua (2-11), lại vẫn trên địa bàn Cầu Giấy, một vụ cháy khác đã xảy ra tại một cửa hàng bán quần áo.

Nhìn lại những vụ cháy vừa qua tại thủ đô cùng với thông tin ban đầu xác định nguyên nhân cháy quán karaoke 68 là do hàn biển quảng cáo, nguyên nhân cháy quán karaoke Gold trước đó do chập điện... thì thấy việc cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ và nguyên nhân cháy do chập điện đều có cơ sở. Vậy vì sao cháy vẫn liên tiếp xảy ra?

Quán karaoke 68 chưa có đầy đủ các giấy phép theo yêu cầu, trong đó thiếu giấy thẩm định về PCCC. Cơ quan chức năng đã yêu cầu cơ sở này không được kinh doanh đến khi đủ giấy phép. Thế nhưng quán vẫn cho phép khách vào hát và để xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng.

Liệu có phải chủ cơ sở cố tình không chấp hành yêu cầu, hay có sự nhắm mắt làm ngơ của cơ quan chức năng? Điều này chắc chắn sẽ được làm rõ sau khi cơ quan điều tra vào cuộc.

Quán karaoke 68 có 9 tầng, xây dựng trên diện tích sàn 96m2, mặt tiền 6m. Những ngôi nhà có mặt tiền từ 3-6m được xếp vào diện nhà ống, thuộc dạng nhà gặp nhiều khó khăn trong PCCC. Nhìn lại, hầu hết quán karaoke ở Hà Nội đều là nhà hình ống với đặc thù sử dụng vật liệu cháy thì dễ, chữa thì khó.

Việc bố trí thoát hiểm không được nhiều cơ sở chú trọng, chủ yếu chỉ có một lối thoát ra cửa chính, không có lối thoát nạn khẩn cấp như ống tụt, thang dây, thang sắt đứng... Lối thoát lên mái thường khóa chặt để đề phòng trộm.

Ba mặt tòa nhà đều là tường đặc, tiếp giáp với nhà xung quanh. Mặt duy nhất quay ra đường thì từ tầng 2 trở lên đều bị bịt kín bằng những tấm biển quảng cáo lớn. Những điều này đương nhiên biến các quán karaoke trở thành lò lửa khi xảy ra hỏa hoạn.

Để không lặp lại những vụ cháy đáng tiếc, việc Q.Cầu Giấy cho dừng hoạt động các quán karaoke trên địa bàn quận để kiểm tra là cần thiết. Thậm chí phải áp dụng nghiêm biện pháp mạnh là đình chỉ các cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC như nội dung trong công điện của Thủ tướng vừa đưa ra.

Nhưng hơn hết, không thể bỏ qua những cảnh báo quan trọng về PCCC bởi những điều này đều đã được cơ quan chức năng chỉ rõ. Đừng để đến khi xảy ra thiệt hại mới lại giật mình.

KHIẾT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên