25/09/2016 09:16 GMT+7

Lễ phép với nhân dân

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Người dân không quên những áp lực mà công an phải nếm trải, tuy nhiên, người công an trước hết phải xứng đáng với lời thề của mình, sứ mệnh của mình: “Vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân".

Cùng một ngày, trong khi người dân đang theo dõi xét xử tại Tòa án nhân dân TP.HCM vụ cảnh sát giao thông Phạm Sỹ Hoài Như kêu côn đồ đánh người vi phạm thì tại Hà Nội, các phóng viên đang đưa tin hiện trường một vụ việc trên cầu Nhật Tân đã bị công an hành hung, cản trở tác nghiệp.

Cả hai sự việc đều không phải diễn ra lần đầu. Chỉ khác, lần này anh CSGT phải nhận một mức án 12 năm tù, và lần này, việc hành hung nhà báo được chứng minh bằng hình ảnh, clip thật rõ ràng, đầy đủ, thuyết phục.

Dư luận dậy sóng, nhưng lại chẳng ai ngạc nhiên. Vì đã từ lâu rồi hình ảnh người công an lẽ ra phải rất đẹp nhưng bị hoen ố chỗ này, góc khác bởi những hành vi, thái độ không đúng mực diễn ra trước mắt mọi người ở nhiều nơi.

Có khi người ta lại ngạc nhiên khi nghe nhắc đến những điều này: điều thứ tư trong Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân: “Đối với nhân dân phải: Kính trọng - Lễ phép”;

Lời thề thứ ba của chiến sĩ công an: “Kính trọng, lễ phép với nhân dân. Sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân. Vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân”;

Điều thứ năm trong 10 điều kỷ luật của công an: “Nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân không điều kiện. Có thái độ niềm nở, lịch sự, đúng mực khi tiếp xúc với mọi người. Kính trọng người già, yêu mến trẻ em, tôn trọng phụ nữ, giúp đỡ người tàn tật. Không hách dịch, cửa quyền, thô bạo, gây phiền hà, sách nhiễu đối với nhân dân”.

Có thực hiện được lời thề ấy, quy định ấy, người công an mới xứng với danh hiệu công an nhân dân.

Ai cũng biết rằng công an thường xuyên phải làm việc trong môi trường đầy áp lực: một ngã tư đông đặc người và xe, một vụ tai nạn thảm khốc, án mạng kinh hoàng hay đối mặt với tội phạm... Trong những hoàn cảnh ấy, người công an trong bộ sắc phục của mình là hiện thân của pháp luật, là nơi để mọi người trông cậy, tin tưởng, chờ đợi việc phân định phải trái, đúng sai.

Áp lực là điều kiện để công an thể hiện mình: người đã được trải qua quá trình tuyển chọn và đào tạo rất gắt gao để làm nhiệm vụ bảo vệ cho cuộc sống. Áp lực không thể là cái cớ để vin vào đó công an lại vi phạm pháp luật.

Không phải ngẫu nhiên mà công an được pháp luật bảo vệ đến thế, công luận chưa quên vụ cô nữ sinh lớp 12 vì bức xúc tát anh CSGT mà bị tuyên phạt 9 tháng tù giam.

Không phải ngẫu nhiên mà công an được ưu ái đến thế, mặt báo vẫn còn lưu những bài viết, hình ảnh, lời cảm ơn cho anh công an dẫn người già qua đường, nấu gói mì cho người vô gia cư ngất xỉu trên đường phố; người công an điều tiết giao thông ở đầu cầu Chương Dương đã được hàng ngàn người dân vẫy chào trong ca làm việc cuối cùng trước lúc nghỉ hưu; anh công an bị phơi nhiễm trong công vụ lập tức được chia sẻ, giúp đỡ...

Người dân không quên những áp lực mà công an phải nếm trải, cũng lại sẵn sàng nối dài đôi tay, tăng thêm đôi mắt để trợ sức cho các anh.

Tuy nhiên, người công an trước hết phải xứng đáng với lời thề của mình, sứ mệnh của mình: “Vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân” mà điều đầu tiên, tiên quyết là: “Đối với nhân dân phải: Kính trọng - Lễ phép”.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên