21/09/2016 11:07 GMT+7

Phải xử nghiêm để làm gương

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TTO - Vụ xe biển xanh đi ngược chiều tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM) cách nay mấy ngày thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Sai phạm là rõ ràng và biện pháp chế tài đã được đưa ra.

Nhưng điều khiến mọi người bức xúc là tại sao vụ vi phạm lại có thể xảy ra giữa trục đường chính của một thành phố lớn và tại thời điểm giao thông đang diễn ra tấp nập với mật độ xe lưu thông cao?

Do đâu mà người lái xe trong câu chuyện, được biết là một viên chức tại một cơ quan nhà nước cấp trung ương, lại có thể điềm nhiên di chuyển trên đường cấm ở một nơi mà việc đi lại trong không gian công cộng đáng lý ra phải được tổ chức thực hiện thật tốt theo đúng luật pháp để nêu gương?

Trước đó không lâu, dư luận cũng lên tiếng về việc xe biển xanh đi ngược chiều trên một đường phố trung tâm Hà Nội. Hiện tượng xe công đi lại trên đường công cộng không theo luật pháp đã và đang lặp đi lặp lại. Nếu đó là dấu hiệu hình thành, phát triển một xu hướng ứng xử đặc trưng cho một nhóm, một giới người thì sẽ là điều đáng lo ngại đối với xã hội.

Luật giao thông đường bộ hiện hành đã khẳng định nguyên tắc bình đẳng giữa các chủ thể khi tham gia giao thông. Với nguyên tắc đó thì người đi lại trên đường phải sử dụng phần đường, làn đường dành cho phương tiện của mình; trong điều kiện có nhiều phương tiện cùng loại cùng đi trên phần đường, làn đường thì phải tuân thủ thứ tự trước sau.

Chỉ một số trường hợp được hưởng quyền ưu tiên khi tham gia giao thông mang tính ngoại lệ và được giới hạn bằng những quy định chặt chẽ, phải được áp dụng nghiêm ngặt. Chẳng hạn, luật quy định xe cứu thương, cứu hỏa, xe chở người giữ trọng trách quốc gia... đang trên đường thực hiện nhiệm vụ thì có quyền di chuyển liên tục trong hành trình mà không phải lệ thuộc vào tín hiệu đèn chỉ dẫn giao thông.

Tôn trọng luật pháp trong giao thông công cộng không chỉ là yêu cầu đặt ra nhằm bảo đảm sự an toàn cho con người. Trên hết, đó là tiêu chí nhìn nhận một xã hội có tổ chức và văn minh.

Đến một đất nước nào đó mà thấy phổ biến việc răm rắp theo đúng chuẩn mực khi đi lại trên đường công cộng thì người ta sẽ có ấn tượng tốt đẹp về xứ sở, con người ở nơi đó và cảm thấy an tâm khi lưu trú, đi lại, giao tiếp, làm ăn.

Trái lại, một đất nước có bộ mặt giao thông công cộng nhếch nhác, lộn xộn, vô tổ chức thì người ta cảm thấy bất an, thậm chí cảm thấy nguy hiểm và không muốn trở lại.

Vì vậy, muốn toàn xã hội tôn trọng luật lệ giao thông thì nhà chức trách phải đi đầu. Các thành viên trong bộ máy công quyền phải là người làm gương trong việc tuân thủ luật lệ giao thông.

Nếu không thuộc các trường hợp ngoại lệ được hưởng quyền ưu tiên khi đi lại trên đường công cộng thì quan chức cũng phải di chuyển theo cùng một bộ quy tắc như người dân thường: phải dừng lại trước đèn đỏ; phải đi đúng làn đường, phần đường dành cho phương tiện mình sử dụng.

Nếu không xử lý nghiêm và đến nơi đến chốn những trường hợp vi phạm Luật giao thông liên quan đến quan chức và xe công thì đừng mơ tưởng đến việc phổ biến ý thức tự giác tuân thủ Luật giao thông trong xã hội.

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên