29/07/2016 10:34 GMT+7

Nông dân làm ăn lớn

TRẦN HỮU HIỆP
TRẦN HỮU HIỆP

TTO - Thực tế đang cần một hệ thống các cơ chế, chính sách đồng bộ, căn cơ cho tam nông. Nông dân cần “cung hàng sỉ” ổn định lâu dài hơn là chính sách “hàng lẻ” nhất thời.

Tôi rất tâm đắc khi tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói về ba thách thức của ngành nông nghiệp: sản xuất trên cơ sở nông hộ nhỏ lẻ, đối mặt với biến đổi khí hậu và cơ hội hội nhập. 

Từ đây, trong tôi lại kỳ vọng về một chiếc áo mới rộng hơn cho ngành nông nghiệp để nông dân có thể làm ăn lớn.

Mong chiếc áo mới là bởi những kỳ tích đổi mới của nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều năm qua không thể đảm bảo chắc chắn cho thành công khi hội nhập. Hội nhập mở ra nhiều cơ hội ở tương lai nhưng thách thức lại hiển hiện trước mặt.

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng không còn là “câu chuyện trăm năm” nữa cùng với những tác động của “nhân tai” trực tiếp tác động xấu đến nông nghiệp. Mong áo mới là vì ngành nông nghiệp lần đầu tiên tăng trưởng âm trong khoảng 10 năm trở lại đây là một chỉ dấu của điểm nghẽn.

Đến nay, ngành nông nghiệp vẫn phát triển theo chiều rộng, ít được đầu tư tiến bộ khoa học và công nghệ nên giá trị gia tăng còn thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp thiếu đồng bộ.

Nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên khó cạnh tranh khi mở cửa thị trường theo các cam kết về thương mại. Làm nông không còn đủ sức giữ chân lao động tại nông thôn, nhiều lao động trẻ đã rời bỏ ruộng vườn ra thành thị kiếm sống...

Không thể phủ nhận thời gian qua Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nhưng nhiều chính sách chưa đi vào trọng tâm, không đồng bộ, lại chậm đi vào cuộc sống. Một số chính sách hỗ trợ mang tính “theo đuôi thiệt hại”, lẫn lộn giữa “làm kinh tế” và “chăm lo an sinh xã hội”, nặng tính ban phát, đối phó, thực hiện rời rạc.

Khó có thay đổi mạnh mẽ khi còn đó những cản trở về chính sách đất đai. Quy định hạn điền dẫn đến sản xuất manh mún nên không thể ứng dụng khoa học kỹ thuật từ đó sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Nông nghiệp không thể cất cánh, đời sống nông dân không khá lên, bộ mặt nông thôn khó đổi mới nếu cứ dựa vào “lắt nhắt” một ít chính sách trợ giúp như tạm trữ lúa gạo, hỗ trợ vốn, vài dự án hỗ trợ khoa học kỹ thuật có tính đối phó ngắn hạn.

Mà nó phải được tiến hành bằng tư duy, chính sách dài hạn hơn để hiện đại hóa ngành nông nghiệp, thoát khỏi cái bóng nông nghiệp truyền thống bằng khai thác lợi thế tự nhiên sang nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tri thức.

Rồi phải doanh nhân hóa nông dân, làm nông với tác phong công nghiệp để có thể tham gia sản xuất lớn, trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Ai là người hiến kế, tìm ra giải pháp để giải quyết ba thách thức lớn của ngành nông nghiệp? Không ai khác chính là tư lệnh của ngành nông nghiệp - tân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

Thực tế đang cần một hệ thống các cơ chế, chính sách đồng bộ, căn cơ cho tam nông. Nông dân cần “cung hàng sỉ” ổn định lâu dài hơn là chính sách “hàng lẻ” nhất thời.

Có rất nhiều vấn đề mà Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phải giải quyết nhưng bộ trưởng phải ưu tiên hơn, đầu tư tốt hơn, chăm chút hơn để cùng góp sức may chiếc áo mới cho nông nghiệp Việt Nam.

Những chính sách mới đó sẽ là nền tảng cho những thay đổi cơ bản cách làm nông nghiệp, dần thay đổi cuộc sống người dân ở nông thôn. Chậm có áo mới, cơ hội tốt hơn dần trôi qua với hàng triệu người nông dân, thay vào đó là những khó khăn do sức ép cạnh tranh từ mở cửa.

TRẦN HỮU HIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên