04/07/2016 09:17 GMT+7

Đừng để thuế phí phình to

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - Hiện chính quyền nhiều địa phương đang trong cảnh thu ít nhưng chi thì chẳng thể bỏ khoản nào được, vì vậy khả năng xoay xở để có thêm nguồn thu, dẫn đến tận thu, lạm thu là rất lớn.

Vì lẽ đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khi làm việc với ngành tài chính đã căn dặn không được tận thu của doanh nghiệp .

Tình hình càng khó khăn khi các địa phương không còn trông mong “gõ cửa” Chính phủ để xin tiền vì ngay Chính phủ cũng đang thiếu trước hụt sau, chẳng đào đâu ra tiền để chi viện cho các địa phương.

Trong bối cảnh đó, chỉ kêu gọi không được tận thu của doanh nghiệp là chưa đủ. Bởi Nhà nước đâu chỉ thu thuế của doanh nghiệp mà còn thu của cá nhân, qua thuế thu nhập cá nhân và đặc biệt là phí.

Với doanh nghiệp, họ có cả bộ máy, khá hiểu biết và dám đấu lý với cơ quan thuế để không bị tận thu.

Ngược lại đa số người dân không đủ sức làm như thế và thường là bị lạm thu - không phải nộp thuế nhưng cơ quan thuế vẫn buộc họ phải nộp.

Tuổi Trẻ đã phản ánh nhiều trường hợp bán căn nhà duy nhất, dù theo luật là được miễn thuế nhưng vẫn phải nộp thuế.

Thậm chí có trường hợp ly hôn, chia tài sản, khi làm thủ tục chuyển tên vẫn bị cơ quan thuế ra quyết định thu thuế thu nhập cá nhân với tài sản chia sau ly hôn. Chỉ khi người dân khiếu nại mới không phải nộp thuế.

Từ các vụ lạm thu này, có thể hiểu rằng một số cơ quan thuế đã khai thác sự không rành rẽ của người dân về thuế thu nhập cá nhân, và tình huống khá nhiều người dân cả đời mới bán nhà hay ly hôn một lần để thu thuế.

Nhưng cũng thật là khó cho cơ quan thuế khi chính quyền thúc phải thu đạt, vượt kế hoạch để có tiền chi trong khi lại bị nhắc nhở không được tận thu lại và phải xây dựng chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp hoạt động.

Với các mục tiêu trái ngược nhau như vậy, việc chống lạm thu, tận thu không thể nói suông mà cần có hành động cụ thể, thậm chí phải thay đổi cả quy trình xây dựng kế hoạch thu chi ngân sách.

Từ lâu đã có nguyên tắc là xây dựng kế hoạch thu ngân sách giao cho các địa phương thường năm sau cao hơn năm trước đã thúc cơ quan thuế phải nghĩ ra cách thu cho đạt chỉ tiêu.

Rồi ngoài chỉ tiêu thu pháp định (chỉ tiêu thu do Chính phủ giao), còn có chỉ tiêu do địa phương giao cao hơn chỉ tiêu pháp định, rồi chỉ tiêu phấn đấu.

Có lắm chỉ tiêu, tất nhiên khuyến khích các cơ quan thu thuế “thu đúng, thu đủ” nhưng cũng dễ dẫn đến tận thu và nguy hiểm hơn là lạm thu.

Muốn tránh lạm thu, tận thu, vắt kiệt sức của doanh nghiệp, người dân, chỉ có một cách duy nhất là triệt tận gốc tình trạng thu quá ít nhưng chi thì “chẳng kém chị kém em”.

Phải tôn trọng nguyên tắc “làm bao nhiêu xài bấy nhiêu”, “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”.

Nếu thu ít thì phải chấp nhận chi xài theo kiểu con nhà nghèo, chính quyền trung ương chỉ hỗ trợ để đảm bảo những khoản chi thường xuyên nuôi bộ máy hành chính...

Ngược lại, nếu còn xuê xoa với nhau, còn chấp nhận làm ra ít tiền nhưng chi chẳng kém chị kém em, vẫn thích công trình hoành tráng, dự án to thì khó mà ngăn được tình trạng tận thu, lạm thu không chỉ thuế mà còn cả phí.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên