18/01/2016 10:24 GMT+7

Thêm van an toàn cho nền kinh tế

TRẦN HOÀNG NGÂN (giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM)
TRẦN HOÀNG NGÂN (giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM)

TT - Giữ được lạm phát thấp thì mới có vốn rẻ cho người vay, đừng để lãi suất nhích lên. Củng cố tâm lý của doanh nhân, khơi dậy tinh thần làm ăn, đó chính là van an toàn nhất cho nền kinh tế.

Nền kinh tế Trung Quốc phải lặn hụp trong cơn sóng lớn đang tác động trực tiếp đến kinh tế thế giới. Với Việt Nam, người dân và doanh nhân còn bị áp lực về tâm lý là không khéo mình cũng như thế, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tinh thần làm ăn, khởi nghiệp đang dâng cao trong giới doanh nhân.

Việt Nam và Trung Quốc trong quá khứ có nhiều điểm giống nhau về phát triển kinh tế nhưng giờ đây đã rất khác. Chúng ta đã chọn cho mình hướng đi mới. Vì vậy, phải cho người dân thấy nền kinh tế sẽ không thể rơi vào cảnh lặn hụp như Trung Quốc.

Giống nhau là cả hai nước từng đi theo một mô hình tăng trưởng dựa vào vốn. Từ chính quyền, doanh nghiệp đua nhau vay vốn ngân hàng để đầu tư, làm ăn nhưng hiệu quả không cao dẫn đến nợ nần, nợ xấu, bong bóng bất động sản và chứng khoán, đến khi nợ nần không trả được thì đổ vỡ, khó khăn.

Nhưng khác là ở chỗ Việt Nam đã thấy “bệnh” của mô hình này và đã quyết tâm chữa bệnh.

Từ năm 2011 chúng ta đã kiên quyết không chấp nhận tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Không chọn đường xấu để đi với mục tiêu đi nhanh về đích sớm thì chắc chắn sẽ không bị “dằn ổ gà”, bị sụp “hố trâu” như Trung Quốc đang gặp phải.

Cũng cần nhắc lại là cái giá phải trả cho việc chọn hướng đi mới là rất đắt. Chúng ta cũng kiên nhẫn dành nhiều thời gian để xây dựng thể chế kinh doanh mới, hạn chế chi tiêu công, siết tín dụng, đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy giờ đây không ai cho phép chỉ vì chạy theo thành tích mà quay lại con đường xấu ấy nữa.

Nhưng cẩn thận vẫn hơn. Có cẩn thận thì người dân, doanh nhân mới tin, mới mạnh dạn bỏ vốn làm ăn, không lo tình trạng điều hành giật cục, khi tăng nóng, lúc siết lại.

Phải tiếp tục kiểm soát dòng tiền từ ngân hàng đổ vào chứng khoán và bất động sản như đã làm những năm qua. Đặc biệt phải phát triển thị trường chứng khoán và đó là kênh lo vốn cho nền kinh tế chứ không phải ngân hàng như hiện nay. Xử lý khéo léo vấn đề nợ công vì người dân sẽ thắc mắc sao nói siết nợ công nhưng vẫn thấy tăng.

Đúng là chúng ta đã siết, kiểm soát nợ công chứ chưa phải cắt ngay. Nợ công sẽ còn tăng nhưng theo lộ trình và sẽ dừng lại. Điều quan trọng là vốn rót ra dự án phải hoàn thành và hoạt động có hiệu quả.

Căn bệnh cũ là lạm phát vẫn rình rập nên không thể lơ là. Đừng nghĩ giá dầu giảm sâu là yên tâm rồi. Giá dầu và giá lương thực - thực phẩm đã giảm quá mạnh rồi, không loại trừ có thể tăng lại. Lãi suất USD đã rời vạch xuất phát sẽ gây sức ép lên tỉ giá VND/USD, ảnh hưởng đến lãi suất VND và thu hút vốn đầu tư.

Đụng đến tỉ giá là đụng đến giá cả hàng hóa.

Trong nước, tới đây chúng ta còn phải tiếp tục thực hiện lộ trình đưa giá điện theo thị trường, tăng giá dịch vụ y tế và học phí, cũng tác động đến lạm phát. Do vậy phải phân tán sóng lạm phát. Các bộ ngành liên quan phải phối hợp với nhau khi điều chỉnh giá, anh làm thì tôi nghỉ, rút kinh nghiệm không làm dồn cục như những năm 2008 tác động rất xấu đến giá cả.

Có giữ được lạm phát thấp thì mới có vốn rẻ cho người vay. Đừng để lãi suất nhích lên, tạo ra tâm lý giảm chưa “ấm chỗ” đã thấy tăng, ảnh hưởng xấu đến tâm lý người làm ăn. Củng cố tâm lý của doanh nhân, khơi dậy tinh thần làm ăn, đó chính là van an toàn nhất cho nền kinh tế.

TRẦN HOÀNG NGÂN (giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên