13/11/2015 08:05 GMT+7

“Đúng quy trình” dễ sợ!

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT -  Vụ “họ hàng cùng làm cán bộ”, nếu tất cả đều đúng, sao dư luận vẫn xôn xao? Đến lúc cần rà soát trên toàn quốc để xem xét hiện tượng như Mỹ Đức, Phổ Yên là thiểu số hay phổ biến.

Vừa mới đây, báo chí chất vấn Bộ Nội vụ về những trường hợp “họ hàng cùng làm cán bộ” ở huyện Mỹ Đức (TP Hà Nội) và đã được nghe đại diện Bộ Nội vụ dẫn thông tin từ Ban tổ chức Thành ủy Hà Nội trả lời rằng cơ bản là “đúng quy trình”.

Tương tự, vụ việc nhiều “người thân” của bí thư Thị ủy Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) được bố trí vào những vị trí tốt ở địa phương, cũng đã có ngay giải thích “đúng quy trình”.

Nếu tất cả đều đúng, sao dư luận vẫn xôn xao?

Đem băn khoăn này trò chuyện với ông Nguyễn Đình Hương (nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương) - một người có kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tổ chức cán bộ, ông Hương nói một vị trí trong bộ máy có được thường theo hai nhóm cách thức: bầu cử, phê chuẩn hoặc tuyển dụng, bổ nhiệm.

Ở nhiều nước, con em lãnh đạo lên làm lãnh đạo thông qua bầu cử là chuyện bình thường, người dân không thắc mắc vì đó chính là tín nhiệm của họ thông qua các nguyên tắc của chế độ bầu cử. Nhưng một người lãnh đạo muốn tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động con em, họ hàng vào những vị trí thuộc thẩm quyền (hoặc trong phạm vi tác động) của họ sẽ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Nếu không đảm bảo các nguyên tắc về minh bạch, công bằng, chống lạm dụng quyền hạn, chuyện bố trí công việc cho người thân sẽ trở thành không bình thường. Hay nói cách khác, đây là một trong những vấn đề phải được lật ngược lật xuôi về mặt đạo đức công vụ.

Bởi vì với con em, họ hàng thì làm sao giữ được khách quan từ khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động? Và trong quá trình chỉ đạo, điều hành làm sao không nể nang, dễ dãi khi cấp trên, cấp dưới là con em, họ hàng của nhau?

Ông Nguyễn Đình Hương cũng kể lại câu chuyện nhỏ về gia đình của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon mà ông mới đọc được trong một cuốn sách. Ông Ban có một người con gái làm việc tại Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).

Tuy có thể làm việc ở những nơi có điều kiện tốt như châu Âu hoặc ngay tại New York - nơi đặt trụ sở Liên Hiệp Quốc, nhưng người con gái này đã đăng ký làm việc tại châu Phi, trải qua những nơi có tình trạng an ninh bất ổn và nhiều dịch bệnh như Sudan, Kenya. Đó chính là lựa chọn để bảo vệ nguyên tắc liêm chính của gia đình tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.

Trở lại với dư luận về những trường hợp “đúng quy trình” nêu trên, rõ ràng nhờ có người dân và báo chí lên tiếng, năm trong số các trường hợp nhân sự được điều động, bố trí công tác mới trong vụ việc ở Mỹ Đức đã trở về đơn vị cũ.

Đến lúc cần rà soát trên toàn quốc để xem xét hiện tượng như Mỹ Đức, Phổ Yên là thiểu số hay phổ biến. Qua đó để bổ sung các quy định cần thiết nhằm ngăn chặn, đẩy lùi những trường hợp cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ. Cần mở rộng và đẩy mạnh bố trí các chức danh quản lý, lãnh đạo không phải là người địa phương.

Những đề xuất mới đây của ông Vũ Ngọc Hoàng (phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương) “thực hiện tranh cử trước nhân dân đối với các chức danh bầu cử và thi tuyển công khai đối với các chức vụ quản lý” cần thiết được đặt lên bàn nghị sự của cấp có thẩm quyền để xem xét mức độ cần thiết áp dụng, sao cho không để dư luận một lần nữa kêu lên “đúng quy trình”... dễ sợ!

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên