28/10/2015 09:20 GMT+7

Chờ ngày tàn của “cát tặc”

MINH LUẬN
MINH LUẬN

TT - Dân kêu, chính quyền không dẹp được, dân có quyền nghi ngờ: hay do bảo kê, chống lưng ngầm cho “cát tặc”?

Cảnh hút và bơm bán cát cho ghe lớn ngay trên sông Đồng Nai

“Nhiều nơi chính quyền lơ là, dân tình oán than. Có cả hiện tượng buông lỏng, bao che, bảo kê cho hoạt động trái phép ngang nhiên ngày đêm” - Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gay gắt khi đề cập đến vấn nạn khai thác cát trái phép.

Nhiều năm qua, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra ngang nhiên ở nhiều nơi đã phá hoại môi trường, gây thất thu thuế, thách thức dư luận, gây sạt lở bờ sông, trôi nhà cửa, vườn tược của dân, uy hiếp cả đê điều đe dọa tính mạng của cả cộng đồng.

Không xử lý được, vụ việc cứ kéo dài, có nơi để bảo vệ tài sản của mình, người dân đã tự tổ chức chống lại “cát tặc”.

Không chỉ lén lút ở những con sông nhỏ mà cả sông lớn, dòng chảy huyết mạch của vùng, của khu vực cũng bị “cát tặc” ngang nhiên gặm nhấm ngày đêm.

Từ sông Đồng Nai, Sài Gòn, sông Tiền, sông Hậu, Vu Gia - Thu Bồn... đâu đâu cũng có “cát tặc” hoành hành. Ngay sông Hồng - đoạn sát thủ đô Hà Nội cũng ngày đêm trân mình chịu nạn.

Sự việc nghiêm trọng đến mức ngày 12-10, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bất ngờ đi kiểm tra nạn “cát tặc” trên sông Hồng.

Cuộc kiểm tra được giữ bí mật, chỉ được thông báo khi đoàn công tác đến hiện trường. Tại đây, ông Phúc đã chứng kiến hoạt động khai thác cát trái phép rầm rộ chẳng khác gì một công trường khai thác công nghiệp.

Từ rất lâu, người dân đã đòi hỏi chính quyền phải mạnh tay trừng trị bọn “cát tặc”.

Từ miền Bắc đến miền Tây Nam bộ, từ hệ thống sông Hồng, sông Đuống đến sông Tiền, sông Hậu, người dân sống hai bên bờ liên tục kêu cứu, thậm chí họ còn chỉ rõ từng đoạn sông, từng thời điểm có ghe hút cát nhưng rồi đâu lại vào đấy, “cát tặc” ngày càng lộng hành hơn. Vì sao vậy?

Người dân đã quá ngán ngẩm khi nghe điệp khúc của chính quyền địa phương: “Chúng tôi không đủ con người, không đủ thẩm quyền, sẽ báo cáo lên cấp trên xem xét xử lý...”.

Dân kêu, chính quyền không dẹp được, dân có quyền nghi ngờ: hay do bảo kê, chống lưng ngầm cho “cát tặc”?

Đã có câu trả lời: Tháng 7-2014, TAND tỉnh Đồng Tháp đã xử tù cả êkip nguyên là lãnh đạo huyện Hồng Ngự như ông Nguyễn Hồng Lâm (nguyên bí thư huyện ủy), ông Ngô Xuân Cảnh (nguyên phó bí thư huyện ủy), ông Nguyễn Quốc Hưng (chủ tịch UBND huyện) và ông Dương Trung Kỉnh (trưởng phòng TN-MT) vì “bảo kê” cho “cát tặc”.

Dẹp “cát tặc” khó không? Người dân cho rằng không khó.

Chỉ cần chính quyền trung ương mạnh tay, có chế tài, có xử lý đối với địa phương để xảy ra nạn “cát tặc”, còn chính quyền địa phương thì phải nghiêm minh, phối hợp đồng bộ với nhau một cách có trách nhiệm chứ không làm qua loa theo kiểu đuổi cho “cát tặc” chạy từ địa phương mình quản lý sang địa phương khác là xong.

Để xảy ra tình trạng “cát tặc” lộng hành, trách nhiệm chính vẫn là ở địa phương. Vì vậy, cần phải quy trách nhiệm nếu địa phương nào còn để xảy ra nạn khai thác cát trái phép thì lãnh đạo ở đó phải chịu trách nhiệm chứ không thể đổ lỗi qua lại như bấy lâu nay.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải ngăn chặn nạn khai thác cát, đá sỏi trái phép. Một khi đã xác định “cát tặc” là một loại tội phạm thì không có lý do gì để những người phạm tội nhởn nhơ hoạt động.

Kể từ nay, người dân có quyền hi vọng, kể cả đòi hỏi sớm được chứng kiến ngày kết thúc của nạn “cát tặc”, chấm dứt chuỗi ngày thách thức cả cộng đồng và pháp luật.

MINH LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên