12/10/2015 09:08 GMT+7

Phải biết tận tụy phục vụ

NHƯ BÌNH ghi
NHƯ BÌNH ghi

TT - Vì sao cùng công việc, cùng trình độ nhân công nhưng có công ty trả cho lao động cao hơn công ty khác?

Một công ty da giày trên đường Trần Đại Nghĩa, huyện Bình Chánh (TP.HCM) thông báo tuyển dụng lao động ngày 8-10 - Ảnh: Thanh Tùng
Một công ty da giày trên đường Trần Đại Nghĩa, huyện Bình Chánh (TP.HCM) thông báo tuyển dụng lao động ngày 8-10 - Ảnh: Thanh Tùng

Hay lao động VN sang Nhật Bản làm việc thấy công việc không khác gì ở VN nhưng lương lại tăng nhiều lần so với ở VN?

Trả lời câu hỏi này có liên quan đến năng suất lao động mà như Tuổi Trẻ ngày 9-10 thông tin: “Năng suất lao động VN: nửa thế kỷ nữa mới bắt kịp Thái Lan”.

Năng suất lao động tỉ lệ thuận với thu nhập của người lao động. Khi nói đến “made in Japan”, người ta nghĩ đến ngay sản phẩm chất lượng cao, an toàn, dù giá không rẻ.

Như vòng tròn tịnh tiến, khi tạo được uy tín với khách hàng, nhà sản xuất Nhật bán được nhiều hàng, lương nhân viên được trả nhiều hơn, kích thích năng suất lao động cao hơn. Tương tự, người Nhật cũng đã xây dựng được cung cách bán hàng tận tụy, chu đáo.

Vậy một trong những giải pháp để tăng năng suất lao động là người lao động phải luôn có ý thức với trách nhiệm cao nhất để làm ra những sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ tốt nhất.

Có nhiều yếu tố đóng góp vào năng suất lao động của một xã hội như: khoa học kỹ thuật, công nghệ, cơ sở hạ tầng, trình độ văn hóa, tay nghề, năng lực của người lao động.

Cải tiến công nghệ, đầu tư trang thiết bị, thay đổi quy trình sản xuất... là cách mà các nhà quản lý đang khuyến khích doanh nghiệp VN đầu tư để tăng năng suất lao động.

Tuy nhiên, cải thiện năng suất lao động chỉ thực hiện được khi mọi thành phần trong xã hội có ý thức nâng cao chất lượng lao động xã hội.

Sang Singapore hay Nhật, cảm nhận đầu tiên là tính phục vụ xã hội rất cao. Tính phục vụ giữa cá nhân với cá nhân, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa cơ quan nhà nước với người dân... đều xuất phát từ sự tận tụy phục vụ.

Mọi người khi làm việc đều đặt sự phục vụ lên hàng đầu, nhờ đó hiệu quả công việc rất cao. Năng suất lao động của mỗi quốc gia, của doanh nghiệp xuất phát từ tinh thần phục vụ tận tụy của người chủ doanh nghiệp cũng như của nhân viên.

Tuy nhiên, năng suất lao động không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là nền tảng giáo dục. Đầu tiên là thay đổi cách giáo dục trong gia đình.

Phụ huynh Nhật Bản dạy con những kỹ năng sống tối thiểu như tự ăn cơm, đánh răng, gấp quần áo, xếp đồ dùng đi học, tự đi đến trường bằng xe buýt để hình thành tính tự lập.

Chương trình giáo dục tại các trường học Nhật Bản cũng định hướng trẻ hướng đến cộng đồng với nhiều hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể để phát triển kỹ năng giúp trẻ nhận thức toàn diện về nhận thức xã hội.

Kiến thức giáo khoa giữa học sinh VN và học sinh Nhật Bản không có nhiều cách biệt nhưng những lao động tương lai của VN có vẻ như khiếm khuyết kỹ năng xã hội.

Thấy rõ nhất là mối quan hệ giáo dục gia đình giữa con cái và bố mẹ VN rất tốt nhưng mối quan hệ giữa học sinh với xã hội lại rất yếu. Chỉ khi có tư duy văn hóa cộng đồng thì lớn lên bắt đầu đi làm, những đứa trẻ đó mới hiểu mọi người trong xã hội phục vụ lẫn nhau như thế nào.

Trong hội nhập, năng suất lao động trở thành yếu tố cạnh tranh mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải cố gắng đạt ở mức cao nhất, tối đa.

Bằng cấp không phải là yếu tố quyết định đến sự thành công của một ngành nghề mà chính là tinh thần kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và tận tụy với công việc. Chỉ khi tận tụy với công việc mới mong cải thiện được năng suất lao động.

LÊ LONG SƠN - Tổng giám đốc công ty Esuhai

NHƯ BÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên