15/08/2015 09:17 GMT+7

​Cần gì cho một buổi xin lỗi?

ÁI NHÂN
ÁI NHÂN

TT - Tuần rồi, có hai buổi công khai xin lỗi người bị truy tố oan do viện kiểm sát tổ chức. Hình thức giống nhau, nội dung giống nhau, nhưng cách thực hiện khác nhau đã dẫn đến kết quả thật khác.

Bà Hà Ngọc Bích (giữa) đã nhận được lời xin lỗi chân thành từ đại viện Viện KSND huyện Tân Phú - Đồng Nai - Ảnh: Ái Nhân

Câu chuyện thứ nhất: Viện KSND TP.HCM tổ chức xin lỗi ông Trương Bá Nhàn vì truy tố oan về tội giết người, cướp của.

Ngồi tù oan gần 1.400 ngày, ông Nhàn được thấy vị đại diện cơ quan pháp luật xuất hiện, đọc lời xin lỗi mình và ra về vỏn vẹn trong vòng năm phút. Ông Nhàn ngỡ ngàng, còn luật sư của ông phải rơi nước mắt.

Câu chuyện thứ hai: bà Hà Ngọc Bích được Viện KSND huyện Tân Phú (Đồng Nai) xin lỗi vì đã truy tố oan về tội hủy hoại tài sản.

Trước sự tham dự của đông đủ cơ quan, ban ngành và người dân tại trụ sở UBND xã Tà Lài, nơi bà đã bị xét xử sơ thẩm lưu động trước đó, bà Bích có đủ thời gian để phát biểu trọn vẹn ý kiến, tâm tư của mình: “Viện KSND cần rút kinh nghiệm sâu sắc qua trường hợp của tôi để không lặp lại với người khác...”.

Buổi xin lỗi kết thúc trong cái bắt tay siết chặt giữa viện trưởng với bà Bích.

Ra về, bà bảo: “Tôi hài lòng với thái độ chân thành, cầu thị của Viện KSND huyện, và điều đó đã khôi phục niềm tin của tôi vào công lý, pháp luật, mà trước đó đã mất đi do sự việc oan ức của mình”.

Ở mặt trái, chẳng lời xin lỗi nào có thể chuộc lại được những oan ức, tổn thất, mất mát từ vật chất đến tinh thần cho người bị oan sai và gia đình của họ, nhất là khi oan sai ấy kéo dài nhiều năm, cũng có khi người bị oan không còn được thấy ngày mình được minh oan nữa.

Nhưng ở mặt phải, lời xin lỗi lại vẫn rất có giá trị để trả lại danh dự, gột rửa oan trái, xoa dịu phần nào nỗi đau, bù đắp lại những tổn thất, trục vớt lại một niềm tin.

Trong mỗi ngày dài dặc chịu oan ức, chắc hẳn người bị oan đều mong chờ lời xin lỗi ấy. Bởi đó là lời xin lỗi của những người đại diện pháp luật.

Đã có đề xuất để pháp luật phải quy định về trình tự, thủ tục xin lỗi cho nghiêm cẩn, hình thức buổi xin lỗi cho trang trọng, và có lẽ trong đề xuất ấy cần quy định thời gian tối thiểu của một buổi xin lỗi.

Nhưng hình thức nào, thời gian nào cũng sẽ chẳng thể thay thế được sự cầu thị, chân thành của người đứng ra đại diện cho pháp luật, cho tổ chức của mình để nói lời xin lỗi.

Có sự chân thành, lòng người bị oan sẽ thấy được an ủi, vỗ về. Có sự cầu thị, những người chứng kiến sẽ yên tâm hơn, rằng những công việc hành pháp tiếp theo sẽ đi cùng công lý.

Dẫu cho pháp luật luôn bị bắt buộc phải vô tình, thì buổi xin lỗi cho việc làm sai của những người đại diện pháp luật lại buộc phải có tình, vì chỉ tình cảm mới chuộc lại được những tổn thương của con người, bên cạnh những tổn thất sẽ được đong đếm bằng các khoản bồi thường.

Đã đến lúc những buổi xin lỗi được thực hiện một cách vô tình, vô cảm cần phải chấm dứt.

ÁI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên