28/07/2015 10:25 GMT+7

Để bớt khổ sở vì tiếng ồn

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Việc chính quyền tỉnh Phú Yên cho công khai danh tính (gọi nôm na là bêu tên) những người hát nhạc sống gây tiếng ồn bất thường, làm phiền người xung quanh đang thu hút sự quan tâm của dư luận.


Hát nhạc sống ở một xã thuộc huyện Đông Hòa (tỉnh Phú Yên) - Ảnh: Duy Thanh

Nhiều người cho rằng chế tài như vậy, cộng với việc cắt danh hiệu văn hóa là nặng; đặc biệt việc bêu tên người vi phạm trên các phương tiện truyền thông tỏ ra không phù hợp với nguyên tắc luật định về tôn trọng thông tin cá nhân, cũng không phù hợp với tinh thần của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Thật ra, Luật xử lý vi phạm hành chính nói về việc công bố những vụ vi phạm pháp luật lớn, có ảnh hưởng sâu rộng.

Còn việc bêu tên ghi nhận tại chỉ thị của UBND tỉnh Phú Yên chỉ nói về vi phạm lặt vặt trong quan hệ ứng xử trong khuôn khổ cộng đồng láng giềng.

Việc nêu tên một người như là tác giả của một việc làm xấu chưa hẳn đã thật sự động chạm đến danh dự, nhân phẩm của một người, để bị coi là nặng. Hành vi bị cho là xấu ở đây thuộc lĩnh vực văn hóa ứng xử và không gắn với những quan hệ đạo đức nhạy cảm; việc công khai danh tính chỉ được thực hiện trên hệ thống truyền thanh của địa phương.

Không thể nói có dấu hiệu, từ việc làm đó, về sự lạm dụng các phương tiện truyền thông để phát tán thông tin trên diện rộng với động cơ, mục đích xấu.

Có điều, chế tài như vậy chỉ mang ý nghĩa xã hội và chỉ tạo được áp lực tinh thần, sẽ không có tác dụng gì đối với những người không biết điều.

Sẽ có những trường hợp người bị bêu tên, bị cắt danh hiệu văn hóa vẫn tiếp tục hát nhạc sống một cách ồn ào, bất chấp nỗi bức xúc, bất bình của hàng xóm. Khi đó, cần có chế tài mạnh hơn mới đủ sức răn đe.

Vả lại, không chỉ có hát nhạc sống: tiếng ồn có thể có nhiều nguồn gốc rất đa dạng, như máy phát điện, máy hát đĩa, động cơ xe, còi xe... Phải quan tâm kiểm soát, hạn chế việc tạo ra tiếng ồn không phân biệt nguồn gốc.

Tiếng ồn nói chung đã từ lâu được pháp luật môi trường các nước ghi nhận như là một trong những nguồn gây ô nhiễm, như xả rác, xả nước thải. Ở các đô thị hiện đại, trong điều kiện không gian sống chật hẹp, việc gây tiếng ồn không chỉ làm mất sự yên tĩnh mà có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người.

Luật pháp các nước có những quy định rất chặt chẽ để chi phối hành vi tạo tiếng ồn. Việc tạo tiếng ồn được coi là ngoại lệ và chỉ được thực hiện trong những giới hạn nghiêm ngặt cả về không gian, thời gian, cũng như về âm lượng.

Vượt quá giới hạn đó bị coi là có hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm có thể bị phạt tiền, thậm chí phạt tù giam; bị rút giấy phép; buộc bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần gây ra cho người khác...

Pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường và nói riêng về kiểm soát tiếng ồn cũng đã được xây dựng song song với sự phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa.

Tuy nhiên, luật chỉ mới quan tâm chủ yếu đến tiếng ồn gây ra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chưa chú ý nhiều đến tiếng ồn trong sinh hoạt. Cần hoàn thiện luật pháp ở điểm này.

Và tất nhiên, để con người không còn bị tra tấn bởi những tiếng ồn, luật pháp về tiếng ồn không chỉ được hoàn thiện, mà còn phải được thực hiện nghiêm chỉnh.

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên