03/07/2015 18:55 GMT+7

​Tâm tư quanh một đề thi

NHẬT VY
NHẬT VY

TTO - 18 năm trước, khi đang ôn thi học kỳ I năm nhất đại học, tôi vô cùng kinh ngạc trước cách học của cô bạn cùng lớp.

Thí sinh ra về sau khi kết thúc môn thi Hóa học tại Trường ĐH Sài Gòn chiều 3-7 - Ảnh: Quang Định
Thí sinh ra về sau khi kết thúc môn thi Hóa học tại Trường ĐH Sài Gòn chiều 3-7 - Ảnh: Quang Định

Khi đó, để chuẩn bị cho buổi thi Triết học Mác Lênin, nữ sinh viên này đã chọn cách học thuộc lòng toàn bộ cuốn sách bộ môn Triết! Thế rồi sự kinh ngạc ấy nhanh chóng chuyển thành sự hoang mang cực độ sau khi có kết quả thi: cô bạn đạt điểm cao hơn hẳn tôi và nhiều người khác ở môn thi này. Lúc ấy tôi hoang mang ở chỗ, rốt cuộc cách học nào mới là đúng đắn, khi chúng ta đã ở tầm sinh viên?

18 năm sau cảm giác hoang mang ấy lại dội về khi đọc đề thi môn Văn của kỳ thi THPT quốc gia 2015. Đề thi này được nhiều người cho là thú vị và sáng tạo hơn trước, khi có những phần như câu 8 của phần I cho học sinh viết ra suy nghĩ của mình về ý “có những người chỉ lo túi tiền rỗng nhưng lại không biết tâm hồn mình đang vơi cạn, khô héo dần”. Có điều câu này chỉ là 1 trong 8 câu hỏi của phần I.

Ở phần II, có thêm câu 1 cũng được cho là dạng sáng tạo, đó là phần viết  nghị luận về việc rèn luyện kỹ năng sống cũng quan trọng như tích lũy kiến thức. Song câu sáng tạo này cũng chỉ chiếm 3/7 điểm của phần II.

Câu nhiều điểm nhất, 4 điểm, lại là câu viết cảm nhận về đoạn trích của Nguyễn Minh Châu và nhìn nhận cuộc sống của ông. Đoạn trích của tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” này đã được đưa vào giảng dạy ở chương trình chính thức Sách giáo khoa môn ngữ văn lớp 12 bắt đầu từ năm học 2008 - 2009.

Việc phân tích một tác phẩm có trong sách giáo khoa chắc chắn sẽ có lợi cho những người thích học thuộc. Những người này hoàn toàn có điểm thông qua việc học thuộc thông tin về tác giả - tác phẩm trong sách, tệ hơn nữa là học thuộc cách phân tích, cách cảm thụ của người khác với tác phẩm ấy.

Chưa kể các câu hỏi khác trong đề thi Văn năm nay cũng có thể được hỗ trợ rất nhiều bằng những phần học thuộc hoặc cao hơn học thuộc một chút.

Nhìn sang đề thi của các nước tiên tiến hay các nước đang hướng tới ngưỡng phát triển, thấy có sự khác biệt đáng kể trong cách ra đề. Phần sáng tạo luôn được đề cao xuyên suốt trong đề bài và đề thi luôn thể hiện sự tôn trọng đối với thí sinh với tư cách là một con người trưởng thành hơn là một học sinh thuần túy dưới mái trường còn nhiều hạn hẹp.

Đơn cử, cấu trúc đề thi lớp 12 mới đây của Nam Phi thể hiện bằng cả hình thức lẫn nội dung là không ủng hộ học thuộc. Ngay trang 2 của bộ đề thi là 8 điều cần lưu ý, trong đó điều 7 nêu rõ: “Trả lời theo dạng học thuộc sẽ bị phạt điểm” (nguyên văn: 7. Memorised responses will be penalised).

Bộ đề thi dài 20 trang A4 có vẻ sẽ gây ngạc nhiên cho những ai quen đọc đề văn ở VN. Nhưng chính độ dày của đề thi thể hiện sự tôn trọng tối đa quyền lựa chọn của thí sinh.

Chẳng hạn câu viết nghị luận có hẳn 8 đề tài để thí sinh lựa chọn cái nào mình tâm đắc để viết. Trong 8 câu này có đủ dạng đề bài trích từ các tác phẩm thơ, văn cho tới tranh vẽ.

Các phần còn lại, mỗi đề thi là một phương pháp xử lý tình huống trong cuộc sống và cũng có tới 4 tình huống để thí sinh chọn.

Chẳng hạn câu 1 yêu cầu viết bài phát biểu của học sinh lớp 12 gửi gắm lại đàn em lớp 11 (bài phát biểu nhấn mạnh chữ ‘không chính thức’ để tránh cách làm khuôn mẫu); viết lá thư về xin phép bố mẹ cho đi nghỉ dài ngày với bạn trong thời điểm mà kỳ nghỉ thường niên bắt buộc của gia đình cũng trùng khớp hay viết về sự ô nhiễm đáng báo động của môi trường xung quanh mình...

Thú vị hơn, có câu yêu cầu thí sinh tự làm một mẩu quảng cáo về một sản phẩm hay dịch vụ mới của mình sao cho thu hút được thật đông khách!

Những thí sinh không học thuộc bài cũng không sao với một đề thi như vậy, miễn là người đó có kỹ năng viết ở mức độ nhất định và quan trọng hơn là kỹ năng sống của một con người trong xã hội chứ không phải là một học sinh bé bỏng, lớ ngớ.

Sẽ không thí sinh nào dám học thuộc lòng hoặc mong mình trúng tủ, bởi sẽ chẳng có tủ nào mà trúng. Tất cả các đoạn trích dẫn trong đề thi tuyệt đối không có trong sách giáo khoa.

Và các đoạn trích ấy đều có ghi chú bản quyền, sự cho phép của tác giả hoặc người thừa kế hay nhà xuất bản ở cuối đề thi như một cam kết tuân thủ nguyên tắc tối thượng là không ăn cắp sở hữu trí tuệ, không bắt chước, đạo văn.

18 năm trước những học sinh, sinh viên như tôi có thể hoang mang với cách ra đề và cách học để có điểm cao từ kiểu ra đề khuyến khích học thuộc khi không biết cách nào đúng hơn, bởi rất khó để tra cứu, xem bên ngoài ra sao.

Nhưng giờ đây, với internet thuận tiện, có thể khẳng định cách học dựa vào thuộc lòng không còn phù hợp. Vì vậy thật khó lý giải là cách ra đề văn ở VN vẫn có lợi cho những người học thuộc lòng hơn là người sáng tạo.

Với cách ra đề ấy, chúng ta sẽ còn phải chứng kiến dài dài cảnh đạo văn, đạo nhạc, đạo các loại hay nhẹ nhàng hơn là thói bắt chước.

Tiếp tục nói về bài thi - Ảnh: Quang Định
Hoàn thành xong bài thi - Ảnh: Quang Định
Thí sinh ra về sau khi kết thúc môn thi Hóa học tại Trường ĐH Sài Gòn chiều 3-7 - Ảnh: Quang Định
Thí sinh ra về sau khi kết thúc môn thi Hóa học tại Trường ĐH Sài Gòn chiều 3-7 - Ảnh: Quang Định
Thí sinh thi xong vẫn nói về đề thi - Ảnh: Quang Định

 

NHẬT VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên