24/06/2015 10:07 GMT+7

Mong các bộ chịu “soi gương”

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Ngực lép không được lái xe, tặng điểm cho bà mẹ VN anh hùng thi đại học, cấm bán bia cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú...

Người dân luôn trông đợi và ủng hộ những quyết sách, điều luật hợp lòng dân. Ảnh tư liệu TT.

Đó là một vài chính sách do các bộ ngành đề xuất khiến người dân... kinh ngạc.

Kết quả chỉ số “Hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ” (MEI) của Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) đã chỉ được những bộ nào “có vấn đề”. Tuy nhiên, giải pháp để giải quyết vẫn còn ở phía trước...

Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các bộ, ngành để quản lý xã hội. Nhưng khi cho các đối tượng chịu tác động có cơ hội “chấm điểm”, việc các bộ chỉ có một chỉ tiêu có điểm khá (7 điểm), còn lại toàn điểm 5 - 6, thậm chí có cả điểm kém, cho thấy một bức tranh đáng buồn về việc xây dựng và thực thi chính sách.

Nếu nhìn cả một quá trình thì kết quả MEI do VCCI công bố ngày 22-6 không phải quá mới lạ. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng vừa tổ chức đánh giá việc thực hiện nghị quyết 19/2014 của Chính phủ.

Ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng CIEM, khẳng định Luật doanh nghiệp 2000 đã quy định các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh không được phép ban hành điều kiện kinh doanh để hạn chế quyền kinh doanh của dân.

Tuy nhiên, kết quả rà soát của CIEM khẳng định đến nay còn những... 3.299 điều kiện kinh doanh được các bộ, ngành, UBND các cấp ban hành trái thẩm quyền!

Chỉ số MEI sau khi xếp hạng hàng loạt bộ điểm dưới trung bình năm 2012 đã bị đột ngột dừng, không thể công bố. Năm nay, MEI trở lại, với cách làm khác, “thân thiện” hơn. Thay vì chỉ một bảng xếp hạng như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, MEI phải có tới năm bảng xếp hạng.

Điều này giúp nhiều bộ có cơ hội được đứng đầu bảng xếp hạng, và cũng không có bộ nào bị xếp “bét” trong tất cả các bảng xếp hạng. Tuy nhiên, điều người dân quan tâm là làm sao để chất lượng chính sách cao hơn, các chính sách khả thi, hiệu quả, hỗ trợ được cho sự phát triển.

Có rất nhiều việc cần phải làm để cải thiện. Nói như bà Lê Thị Nga, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cần phải kỷ luật được ai đó khi chính sách bất cập, bị phản ứng.

Tuy nhiên, để chính sách, pháp luật hiệu quả và chất lượng hơn, cần ngăn chặn những biểu hiện vẫn thường được nói tới như ngành nào làm luật, quy định thì thường theo hướng bảo vệ, tăng quyền cho ngành đó.

Rồi các văn bản quy phạm pháp luật phải qua hàng loạt quy trình, nhưng khi công bố, bị phản ứng thì lỗi thường của... người đánh máy. Trách nhiệm người đứng đầu cần được đề cao, nhất là khi Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm với các bộ trưởng, trưởng ngành.

VN bước vào thời kỳ hội nhập sâu, ở đó không chỉ doanh nghiệp mà cả người dân, thậm chí Chính phủ cũng sẽ phải cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tận dụng được cơ hội, tránh khả năng tụt hậu, phải làm thuê trên chính sân nhà...

Hi vọng chỉ số MEI sau một thời gian bị chỉ trích cũng sẽ tạo được một cuộc cạnh tranh lành mạnh giữa các bộ để được điểm tốt, để được nâng hạng - giống như đã thấy ở chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Bởi suy cho cùng, vấn đề không phải là thứ hạng của các bộ thế nào, mà là làm sao để người dân, doanh nghiệp được hưởng chính sách tốt, hợp lý, tránh bỏ lỡ cơ hội phát triển, có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Và trước hết, các bộ phải chịu “soi gương” MEI để thấy mặt mũi của mình có chỗ nào chưa đẹp. Chứ có gương mà không chịu soi thì đâu lại vào đấy!

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên