30/05/2015 09:05 GMT+7

FIFA và chuyện 
quyền - tiền

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Cú đánh úp của Cục Điều tra liên bang Mỹ dựa vào những vụ bôi trơn hàng trăm triệu USD trong các cuộc chạy đua đăng cai những giải đấu của FIFA cho thấy chẳng có gì là vĩnh cửu, dù quyền và tiền với FIFA là vô biên!

Trong những ngày này, khi nổ ra xìcăngđan hàng loạt quan chức cao cấp của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) bị bắt vì liên quan đến chuyện tham nhũng - hối lộ, có rất nhiều người sung sướng và trong đó, có lẽ Lennart Johansson - cựu chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) - hạnh phúc nhất! Tại sao?

Năm 2010, Lennart Johansson đã tung một “quả bom” khi huỵch toẹt trên một tờ báo của Đan Mạch về việc mình đã bị ông Sepp Blatter - chủ tịch FIFA - lừa như thế nào, đồng thời tố cáo FIFA chẳng khác nào một tổ chức mafia!

Câu chuyện Johansson như thế này: Vào năm 2007, khi UEFA chuẩn bị đại hội, thời điểm ấy có hai ứng viên sáng giá nhất cho vị trí chủ tịch là “hoàng đế” Beckenbauer của Đức và danh thủ Platini của Pháp, còn đương kim chủ tịch Johansson tuyên bố rút lui vì đã lớn tuổi.

Johansson kể ông Blatter đã gặp mình và thuyết phục ông tiếp tục ở lại thêm một nhiệm kỳ. Mềm lòng, Johansson đồng ý.

Việc Johansson đồng ý tiếp tục tranh cử thêm một nhiệm kỳ đồng nghĩa với việc Beckenbauer rút lui vì cả hai là bạn thân thiết với nhau. Sau khi Beckenbauer rút lui, ông Blatter khi ấy trở mặt quay sang ủng hộ “gà” của mình là Platini và kết cục là Johansson đã thua. Nhắc lại chuyện ấy, Johansson cay đắng:“FIFA luôn đề cao tinh thần fair-play, nhưng ông Blatter chẳng biết fair-play là gì”!

Cũng trong năm 2010 ấy - năm diễn ra World Cup Nam Phi - đã lao xao câu chuyện FIFA chỉ định Công ty Infront Sports & Media độc quyền phát hành vé (cả World Cup 2010 lẫn 2014). Nhưng Công ty Infront Sports & Media là của ai? Người ta thấy chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty này là Philippe Blatter - cháu ruột của ông Sepp Blatter!

Chỉ một chuyện nho nhỏ (nhưng tiền không nhỏ) như thế đã đủ để Johansson chứng minh: “Tràn lan nạn hối lộ và lạm dụng quyền lực trong hàng ngũ FIFA kể từ khi ông Blatter giữ ghế chủ tịch. Tuy nhiên, không có đủ bằng chứng nên tất cả đều mệt mỏi và phải đầu hàng”.

FIFA ra đời vào năm 1904, tính đến nay đã trải qua tám đời chủ tịch. Nếu sáu đời chủ tịch đầu đều tập trung cho sự nghiệp bóng đá toàn cầu thì đến đời thứ 7 - Joao Havelange (Brazil) bắt đầu nổi bật với việc thương mại hóa bóng đá. Và cánh tay mặt của ông Havelange là ai? Chính là ông Sepp Blatter! Khi ông Havelange rút lui vào năm 1998, ông Blatter kế vị và giữ vững ghế chủ tịch đến hôm nay.

Nói về quyền lực của FIFA thì thật vô biên. FIFA có đến 208 quốc gia thành viên và một lời của chủ tịch FIFA ban ra là các quốc gia thành viên phải tuân theo răm rắp. FIFA đã có những quy định mà đến chính phủ các nước cũng phải kiêng dè, đó là cấm tuyệt đối sự can thiệp của chính quyền vào liên đoàn bóng đá quốc gia. Nơi nào vi phạm sẽ bị FIFA cấm vận.

Mà FIFA cấm vận thì rất dễ khiến tín đồ túc cầu giáo nổi giận, làm ảnh hưởng đến cả chính quyền. Chính vì vậy, tuy chỉ là người đứng đầu của một tổ chức nghề nghiệp một môn giải trí, nhưng chủ tịch FIFA đi tới đâu thì các nguyên thủ cũng phải đón tiếp trọng thị.

Có quyền thì lại có tiền. Cứ xem một kỳ World Cup như 2014 FIFA kiếm được 2 tỉ USD thì biết. Rồi có tiền thì lại củng cố quyền lực.

Đó là chuyện gần như quy luật trong cuộc sống. Tuy nhiên khi có quyền lực quá lớn, người ta dễ sinh ra chủ quan, nghĩ rằng mình có thể lấy tay che cả bầu trời. Nhưng than ôi, ở đời chẳng có gì là tuyệt đối.

Cú đánh úp của Cục Điều tra liên bang Mỹ dựa vào những vụ bôi trơn hàng trăm triệu USD trong các cuộc chạy đua đăng cai những giải đấu của FIFA là một bằng chứng cho thấy lưới trời lồng lộng, chẳng có gì là vĩnh cửu, dù quyền và tiền với FIFA là vô biên!

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên