15/05/2015 11:12 GMT+7

Quan trọng là học để hành

NGỌC HÀ ghi
NGỌC HÀ ghi

TT - Tổ chức uy tín như OECD khi đánh giá để xếp hạng trường học, họ đã thực hiện có phương pháp nên đừng ai nghi ngờ “Việt Nam đứng thứ 12” (Tuổi Trẻ ngày 14-5) là một kết quả tạo dựng.

Nhưng cần bình tĩnh nhìn nhận cách đánh giá của OECD, bởi phạm vi đánh giá chỉ dựa trên điểm toán và khoa học của học sinh độ tuổi 15 một cách đại trà.

Kể cả ở phổ thông, toán học được coi là quan trọng, nhưng đó không phải là tất cả. Giả sử việc đánh giá học sinh được mở rộng thêm về phương diện kiến thức khoa học nhân văn, về nhận thức và hiểu biết xã hội thì rất có thể thứ hạng của Việt Nam sẽ khác đi.

Chưa kể, việc đánh giá có lẽ chỉ dừng lại ở học sinh thành thị và gần thành thị, nếu kiểm tra kiến thức trên học sinh ở miền núi hay những vùng hẻo lánh, xa xôi của nước ta, kết quả cũng sẽ khác.

Cũng có thêm một lý do để thấy kết quả này không nên xếp vào diện phải nghi ngờ chỉ vì thấy Việt Nam xếp hạng cao quá, trên cả nước tiên tiến như Mỹ. Đó là thực tế.

Hệ thống giáo dục phổ thông của Mỹ lâu nay bị các nước phương Tây và bản thân nước Mỹ cho là “tồi tệ”. Vấn đề là sau bậc phổ thông, lên đại học (ĐH) của Mỹ là một nền giáo dục rất tốt và sau ĐH lại còn siêu tốt.

Phản ứng khá phổ biến của nhiều người khi thấy Việt Nam xếp hạng cao thì không tin và cho rằng làm sao có được kết quả “trên trời” ấy khi giáo dục Việt Nam lâu nay vẫn chỉ ở mức... làng nhàng?

Điều này chỉ là suy diễn một cách cực đoan, song ngược lại đó lại là một suy đoán có cơ sở. Người ta dễ dàng nhận ra trình độ phát triển Việt Nam còn hạn chế khi so sánh với nhiều nước, chứ không chỉ là so sánh với một nước đỉnh cao như Mỹ.

Với một quốc gia, để đánh giá trình độ phát triển, người ta không soi quá kỹ vào trình độ học sinh phổ thông mà dựa vào nguồn nhân lực sau đào tạo, những người đó đáp ứng thế nào với điều kiện mới, tình hình mới.

Giáo dục ĐH, sau ĐH khác hẳn với phổ thông. Kết quả phổ thông không đủ đảm bảo cho nền ĐH tốt, trong khi phải có nền giáo dục ĐH, sau ĐH tốt thì mới quyết định sự phát triển của đất nước.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp lớn vẫn than phiền “tuyển không nổi người” vì nhân lực kể cả sau đào tạo vẫn... xa so với nhu cầu. Chưa nói đến tuyển dụng mà ngay việc trao các cơ hội đào tạo tốt cũng rất khó tìm được người phù hợp.

Tại Viện Toán học - Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam, mỗi năm các giáo sư có thể giới thiệu được nhiều suất học bổng hấp dẫn cho học viên sau ĐH đi du học, nhưng kiếm mỏi mắt cũng chỉ chừng 50% người đáp ứng nhu cầu.

Nhưng vị trí thứ 12 trong bảng xếp hạng trường học của OECD dành cho Việt Nam gợi cho nhà quản lý giáo dục suy nghĩ, giữ gìn, duy trì các điểm tốt, tìm ra điểm yếu cần khắc phục. Đó cũng là bài toán cho ngành giáo dục Việt Nam.

Không hô hào tự mãn, nhưng cũng đừng tự ti xóa sạch những kết quả đã đạt được của giáo dục. Cần phát huy những thế mạnh của giáo dục phổ thông và quan trọng phải biến nó thành mặt mạnh trong đào tạo nguồn nhân lực - làm động lực cho đất nước phát triển. 

GS.TSKH LÊ TUẤN HOA
(viện trưởng Viện Toán học)

 

NGỌC HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên