05/05/2015 09:33 GMT+7

​Thêm những cái loa!

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Chuyện Trung Quốc mượn những cơ sở hải ngoại như Viện Nghiên cứu Trung - Mỹ (ICAS) làm những “cái loa” vận động dư luận để nay đề xướng một cái nhìn mới nữa về Trung Quốc, mai giả lả chuyện xây lấn trên biển Đông... là điều rất thông thường trong mọi chiến lược thông tin đối ngoại.

Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters

Những cơ sở phi chính phủ, nghiên cứu, văn hóa, thậm chí... câu lạc bộ ngoại ngữ, khí công hay võ đường kungfu chính là những cơ sở mà người bản xứ chọn lui tới thay vì các trung tâm thông tin chính thức do các sứ quán quản lý thường bị chê là “tuyên truyền” khô khan.

Những cơ sở “phi chính phủ” như ICAS nêu trên được lập ra để “làm cầu nối giữa Trung Quốc và Mỹ... nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau...”, thật ra là những “cái loa” rất “công suất” giải thích chuyện biển Đông theo ý Bắc Kinh.

Tần suất các bài viết của những nhà nghiên cứu quốc tế theo xu hướng của Bắc Kinh khá dày trên website của ICAS: tính từ đầu năm tới nay mới chỉ vừa hết bốn tháng đã có đến sáu bài “nghiên cứu” như thế. Thậm chí ngay từ tháng 3 đã đăng bài “Kịch bản hậu bồi lấp trên biển Nam Hải” (tức biển Đông của Việt Nam)... chứ không đợi đến nay mới “bắc loa”.

Đó là chưa kể cuộc nói chuyện của Henry Kissinger giữa tháng 4 cho thêm sức nặng. Trong thực tế, những cơ sở trên đã được chính một số cơ sở mà Bắc Kinh đã “Mỹ vận” được từ trước, và các cơ sở của những người Mỹ chính cống này đã làm “cái loa” cho Bắc Kinh từ những năm 1980, lobby cho một làn sóng thân Bắc Kinh ở Mỹ, trong khi chờ đợi một thế hệ du học sinh Trung Quốc sang Mỹ, Canada... học rồi ở lại “nằm vùng” như trường hợp Hong Nong nay là giám đốc ICAS.

Ngược lại, cũng có những “thùng loa” của chính người Mỹ, trong số đó phải kể đến Hội đồng kinh doanh Mỹ - Trung (USCBC), ra đời từ năm 1973, nay tự hào quy tụ đến 220 công ty Mỹ kinh doanh với Trung Quốc, “phục vụ lợi ích các thành viên của mình ở Mỹ và Trung Quốc”. Hay Công ty KissingerAssociates của cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nay vẫn cứ là thượng khách của Bắc Kinh, với hơn 80 lần sang thăm!

Thành ra, việc Kissinger có đến trụ sở ICAS cũng là trong hợp đồng, không khác gì hợp đồng gia nhập ban cố vấn quốc tế của CNOOC (Công ty Dầu hải dương quốc gia Trung Quốc) từ năm 2001.

Nếu nhìn lại quá trình phát triển của CNOOC, sẽ thấy từ năm 2001 CNOOC không chỉ tăng trưởng sản lượng, doanh số mà còn tăng trưởng cả về diện tích làm chủ “tự nhiên” (tài nguyên có chủ quyền, không tranh chấp) lẫn diện tích lấn chiếm.

Nếu nhìn lại những trao đổi Nixon - Mao năm 1972, do Kissinger chỉ vẽ, tỉ như lịch trình Bắc Kinh thế chỗ Đài Bắc ở Liên Hiệp Quốc hay lấn chiếm Hoàng Sa năm 1974, sẽ hiểu ra nguồn gốc của tấn tuồng “đường chín khúc” mà sau này Bắc Kinh đưa ra để lấn chiếm.

Thế nhưng, bất chấp những “cái loa” như nêu trên, phản ứng của thiên hạ, từ G7 đến ASEAN như có thể trong hai tuần qua, vẫn là: “Không! Chớ nên tự ý thay đổi hiện trạng, sử dụng vũ lực hay dọa nạt”.

Ngay cả khi G7 hay ASEAN không nêu đích danh Trung Quốc cũng là một dấu chỉ cho thấy thiên hạ nay đã “hãi” Trung Quốc như thế nào rồi.

“Hãi” như “hãi” một cái gì quấy nhiễu! “Hãi” chứ không đầu hàng! Tiếc thay, lộ trình gây “hãi” đó lại không phải là lộ trình để vươn vai trở thành một nước lớn.

Và cũng chính vì thế mà nay bắt đầu hình thành những đề kháng tập thể như có thể thấy qua thông điệp tuần qua của Tokyo.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên