24/04/2015 10:29 GMT+7

​Bàn về “ba xin” của bộ trưởng Bộ Y tế

LÊ THANH TÂM
LÊ THANH TÂM

TT - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa triển khai một cuộc vận động nhằm “lột xác” thái độ ứng xử đối với bệnh nhân tại các bệnh viện.

Bức xúc nhất của ngành y tế Việt Nam chính là thái độ phục vụ người bệnh - Ảnh: TTO 

Tạm gọi cuộc vận động này là “ba xin”: xin chào, xin lỗi, xin phép. 

Tất nhiên cái “ba xin” ấy cần được hiểu theo nghĩa rộng, không nhất thiết phải luôn nói ở cửa miệng, điều quan trọng là hành động như thế nào cho người bệnh cảm thấy “ba xin” không phải chỉ là những lời hào nhoáng vô nghĩa.

Không cần tốn sức để làm một cuộc thăm dò cũng có thể nói bức xúc nhất của ngành y tế Việt Nam chính là thái độ phục vụ người bệnh. Đây là căn bệnh trầm kha kéo dài hàng chục năm, từ thời bao cấp cho tới nay vẫn chưa được cải thiện.

Trước một thực trạng như vậy, cách đây chừng ba năm, Bộ trưởng Tiến đã quyết đột phá vào vấn đề y đức. Khởi đầu là cuộc vận động “Ngành y nói không với phong bì”, tiếp theo là hàng loạt cuộc tập huấn nhằm nâng cao tinh thần tận tụy đối với bệnh nhân của cán bộ y tế.

Đi cùng với những việc làm này, Bộ Y tế cũng tỏ ra khá nghiêm khắc với những sai phạm, theo lời bà bộ trưởng, có khoảng 2.000 cán bộ y tế bị nhắc nhở, 150 người bị kỷ luật vì thái độ phục vụ.

Có thể nói cuộc vận động nêu trên là một cố gắng đáng ghi nhận, nhưng xem ra kết quả vẫn không đạt như ý muốn. Cản trở lớn nhất mà bà Tiến đang vấp phải là cơ sở vật chất quá kém, bệnh nhân quá đông, áp lực công việc quá cao, đồng lương cán bộ y tế quá thấp...

Vượt qua những cái “quá” này để vực dậy y đức quả là rất cam go, đòi hỏi rất nhiều điều kiện, không phải chuyện một sớm một chiều giải quyết ngay được.

Trong cuộc vận động “ba xin” lần này, dù chưa thoát khỏi những thách thức bởi những cái “quá”, nhưng Bộ trưởng Tiến vẫn khẳng định việc thay đổi thái độ phục vụ người bệnh không phải là một phong trào mà là chính sách bắt buộc thi hành, các bệnh viện phải cam kết thực hiện.

Ngẫm cho cùng, bà Tiến có lý để làm như vậy, không thể ngồi chờ mọi cái hoàn thiện rồi mới chấn chỉnh y đức. Điều quan trọng trước hết là cần phá vỡ tâm lý “xin - cho” đang đè nặng trong tiềm thức của đội ngũ cán bộ y tế.

Bài học ở các bệnh viện ngoài công lập là một minh chứng rất rõ cho việc xóa bỏ tâm lý “xin - cho”. Thực tế cho thấy không ít nơi có rất đông bệnh nhân, áp lực công việc không nhỏ, nhưng thái độ ứng xử đối với người bệnh khác hẳn bệnh viện công.

Cùng với những điều kiện để ràng buộc mọi người phải thực hiện chức trách lương y, các bệnh viện ngoài công lập đang áp dụng mạnh mẽ quan điểm bệnh nhân là khách hàng. Với quan điểm ấy, tâm lý “xin - cho” không còn đất sống, tất cả phải phục vụ “thượng đế”.

Tất nhiên, các bệnh viện công có nhiều yếu tố không hoàn toàn giống như bệnh viện ngoài công lập, nhưng viện phí đang tăng dần và còn được Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt, không thể đối xử mãi với bệnh nhân theo kiểu “xin - cho”.

 

LÊ THANH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên