29/03/2015 09:34 GMT+7

​Lỗi do trời đất bất thường!

MINH TỰ
MINH TỰ

TT - Chưa bao giờ giữa tháng ba mà nước sông Hương lại bạc trắng và ùn ùn từ nguồn đổ về như nước mùa lũ.

Các ruộng bắp, đậu phộng đang thời điểm đậu quả ở xã Quảng An (huyện Quảng Điền) đã bị ngập trong nước lũ - Ảnh: An Bang

Buổi sáng cuối tuần, câu chuyện bên bờ sông Hương không có gì khác hơn là chuyện mưa lũ bất thường. 

Mưa trắng trời, quất ào ạt như mưa tháng mười. Nếu tính theo âm lịch thì bây giờ mới đang đầu tháng hai, trời thường chỉ trở lạnh với cơn rét ngọt và màn mưa xuân như một lớp bụi đủ cho cây cối đâm chồi nảy lộc.

Nhưng tháng giêng hai năm nay, trời Huế cũng như cả dải miền Trung đã không như thế nữa. Trời nắng và nóng suốt từ cuối tháng chạp đến đầu tháng hai. Quảng Trị vừa ăn tết vừa lo chống hạn. Cả vùng Trung Trung bộ từ Bình Định vào tận Ninh Thuận phải căng mình vét từng giọt nước cứu cây trồng. Khoảng hai tuần trước, tức mới cuối tháng giêng mà ve đã kêu inh ỏi.

Các chuyên gia động vật học cho biết do thời tiết quá nóng, ấu trùng ve từ dưới đất cứ tưởng là đã sang hè nên chui lên và cất tiếng báo mùa hè đã về. Vậy mà chỉ vài ngày sau, mưa đã xối ào ạt và lũ ngập đồng từ Huế vào đến Quảng Ngãi...

Đây có phải là diễn biến ngày càng rõ ràng và cận kề của biến đổi khí hậu hay không? Điều đó còn phải đợi các nhà khoa học trả lời chính xác, nhưng nói như người dân miền Trung là “ông trời cũng đã đổi khác lắm rồi!”. Đất trời đã biến đổi, đã trở nên bất thường so với quy luật xưa nay, nhưng con người đã thích ứng kịp chưa?

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Phan Thanh Hùng, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói do mưa đầu nguồn quá lớn nên thủy điện Hương Điền phải xả lũ với lưu lượng gần 900 m3/giây (chính xác là gần 1.000 m3/giây - NV). Ông Hùng cho rằng việc này là bất khả kháng.

“Chúng tôi đã thông báo cho ban phòng chống lụt bão và lãnh đạo các huyện, yêu cầu thông báo cho người dân vùng hạ du biết để chủ động phòng tránh. Việc người dân một số xã không nhận được thông báo xả lũ là trách nhiệm của xã, của huyện” - ông Hùng nói.

Trong khi đó, lãnh đạo UBND huyện Quảng Điền, nơi chịu thiệt hại nặng nhất từ cơn lũ này, cho biết họ nhận được thông báo xả lũ lúc 3g sáng, và đã thông báo ngay về các xã, nhưng có xã nhận được xã thì không.

Chủ tịch UBND xã Quảng An thì nói không nhận được thông báo thủy điện xả lũ nên cả chính quyền và người dân đều bị bất ngờ. Ông Hà Văn Tuấn - phó chủ tịch UBND huyện Quảng Điền - cho biết đã triển khai nhiều phương án ứng phó nhưng nước lũ lên nhanh và ở mức khá cao, đành bất lực nhìn nước lũ vượt qua đê bao tràn vào đồng ruộng và khu dân cư.

Còn ông Trịnh Xuân Khoa - giám đốc điều hành Công ty cổ phần thủy điện Hương Điền - cho biết ông có nhận bản tin dự báo mưa nhưng không ngờ mưa lớn đến như thế. Buổi chiều 26-3 hồ chứa nước của thủy điện này vẫn còn đóng cửa để tranh thủ lấy nước cho cả mùa hè sắp đến. Đến nửa đêm mưa quá lớn nên thủy điện này phải mở cửa xả lũ. Chỉ vài giờ sau thì nước ngập đồng lúa, ruộng bắp của nông dân suốt cả vùng hạ du.

Mưa lớn giữa tháng ba là bất thường, nhưng câu chuyện thủy điện xả lũ cũng như câu trả lời “bất khả kháng” thì đã quá quen. Quen đến mức mới thấy lũ ùn ùn đổ về là biết thế nào cũng nghe câu nói: “Nếu không xả thì vỡ đập, thiệt hại còn nặng hơn”!

Hàng ngàn hecta lúa vụ xuân đang lên đòng, những ruộng bắp và đậu phộng (lạc) xanh mướt đã ngập chìm dưới nước lũ. Với người nông dân nghèo thì đó là cả gia sản. Chưa kể món tiền vay của ngân hàng cũng đã trôi theo dòng nước. Mùa thu hoạch chưa đến mà nợ đã chồng nợ.

Nhìn hình ảnh những người nông dân lặn ngụp dưới dòng nước lũ để cố vớt vát vài trái dưa hấu sắp đến ngày thu hoạch, liệu chúng ta có chấp nhận điều đó chỉ là bất thường của trời đất hay không?

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên