17/03/2015 10:41 GMT+7

​Không gian ngầm phải an toàn

NGUYỄN MINH HÒA (ĐH KHXH&NV TP.HCM)
NGUYỄN MINH HÒA (ĐH KHXH&NV TP.HCM)

TT -  Để đảm bảo an toàn, việc xây dựng các cao ốc có tầng ngầm đòi hỏi rất khắt khe về kỹ thuật bởi liên quan đến sinh mạng của nhiều người...

Một công trình bãi đỗ xe ngầm đang được xây dựng - Ảnh tư liệu của Công ty Đông Dương/ TTO

Các nước đều ban hành bộ chỉ số kỹ thuật cho các công trình cao tầng theo từng năm, nếu công trình có tầm quốc tế thì phải chấp hành theo tiêu chuẩn quốc tế. 

Với các công trình công cộng thu hút nhiều người cùng một lúc như siêu thị, sân vận động, nhà thi đấu, nhà triển lãm thì tiêu chuẩn thiết kế an toàn bao giờ cũng tính mức dự phòng cho tối đa với lượng người gấp hàng chục lần so với bình thường.

Nhưng trên thực tế nhiều chi tiết kỹ thuật bị bỏ qua, nhiều yêu cầu được giảm bớt, dẫn đến mất an toàn cho con người vì những nguyên nhân như sau:

Thứ nhất là do quan niệm, do nhận thức chưa tới. Nhiều chủ đầu tư cho rằng xây chung cư cho người nghèo, người tái định cư thì chỉ cần rẻ, vừa túi tiền, hệ quả chỉ sau một thời gian sử dụng đã xuống cấp, gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Sự thật thì chung cư cao tầng, bất luận trong trường hợp nào, cũng phải đảm bảo được các yêu cầu chất lượng kỹ thuật ở mức cao, có thể vật liệu xây dựng không “long lanh” nhưng dứt khoát phải tốt cho người sử dụng.

Thứ hai, nhiều và tệ hại nhất vẫn là chuyện cắt xén nhằm giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Chủ đầu tư, chủ thầu, người thi công tìm cách bớt xén vật tư, bớt xén các hạng mục theo kiểu “làm cho phí, biết bao giờ mới dùng đến”.

Ít nhất có năm vụ cháy chung cư ở Hà Nội, trong đó có chết người, thương vong bắt nguồn từ ống thoát rác từ tầng cao xuống hầm chứa rác thay vì làm bằng kim loại hoặc gạch chịu lửa thì lại làm bằng composite, amiăng nên khi người dân đốt vàng mã, đốt rác bỏ vào gây hỏa hoạn.

Có nhiều chủ đầu tư “tham bát bỏ mâm”, cố tình tăng mật độ xây dựng; nhiều cao ốc xây dựng dày đặc, tranh thủ từng centimet để thêm diện tích thương mại, chừa khoảng trống thông tầng, thông gió quá ít do vậy chỉ một sự cố nhỏ xảy ra như mất điện, mất nước, hỏng thiết bị điều hòa không khí là gây hậu quả xấu.

Một nguyên nhân khác nữa là sử dụng không đúng công năng, như tầng hầm để xe lại làm kinh doanh thương mại, tận dụng tối đa mặt bằng hoặc trong quá trình sử dụng không bảo dưỡng tốt các thiết bị, gây ra nguy cơ mất an toàn.

Trong những năm gần đây, xu hướng phát triển công trình ngầm bắt đầu gia tăng ở Hà Nội và TP.HCM, rất nhiều siêu thị, cao ốc chuyển một phần hoạt động xuống các tầng ngầm, trong khi chúng ta lại chưa có kinh nghiệm xây dựng, tổ chức hoạt động, quản lý, vận hành không gian ngầm. Sự cố xảy ra ở tầng hầm siêu thị Big C tại Hà Nội tối 14-3 cho thấy còn nhiều lỗ hổng trong tất cả các khâu từ thiết kế, lắp đặt trang thiết bị, vận hành, kiểm soát, tổ chức.

Đến năm 2020, sau khi hệ thống metro hoàn thành, TP.HCM sẽ có một hệ thống tầng hầm quy mô cực lớn, nhiều tầng ở ngay trung tâm thành phố bao gồm các siêu thị, nhà hàng, văn phòng, các trung tâm dịch vụ, các hành lang giao thông nối từ tòa cao ốc này đến cao ốc khác, thu hút hàng triệu lượt người mỗi ngày, do vậy bài học từ Big C là cần thiết cho các nhà thiết kế, xây dựng ngay từ hôm nay. 

NGUYỄN MINH HÒA (ĐH KHXH&NV TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên