08/12/2014 11:46 GMT+7

Tinh thần khởi nghiệp

V.V.THÀNH ghi
V.V.THÀNH ghi

TT - Chính phủ đã công bố một kế hoạch hành động phát triển kinh tế tư nhân trong ba năm 2015-2017.

Các khóa đào tạo “Lãnh đạo khởi nghiệp” trong khuôn khổ dự án “Mỗi doanh nhân - một người thầy” đã khởi động và thu hút nhiều bạn trẻ tham dự - Ảnh tư liệu

Chỉ ít ngày sau khi Quốc hội thông qua hai đạo luật về doanh nghiệp và đầu tư theo hướng xác lập môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, Chính phủ đã công bố một kế hoạch hành động phát triển kinh tế tư nhân trong ba năm 2015-2017.

Những thông điệp đó không chỉ tiếp sức cho cuộc đua của các doanh nghiệp hiện có, mà còn được hi vọng sẽ nhen nhóm lên làn sóng khởi nghiệp mới.

Ở VN, kể từ khi Quốc hội ban hành Luật doanh nghiệp tư nhân năm 1990 đến nay, chúng ta đã đi được một chặng đường rất dài để có thể đúc kết hai trong số các yếu tố cốt lõi làm bệ phóng cho kinh tế tư nhân là thể chế và tinh thần khởi nghiệp.

Về thể chế, con đường phát triển kinh tế tư nhân cần được xem là một chiến lược dài hạn. Kế hoạch hành động trong ba năm, vì thế có lẽ chỉ nên xem như một thông điệp khởi động.

Các doanh nhân sẽ tự hỏi sau ba năm là gì? Trong khi các nguồn lực phát triển (vốn, đất đai...) có hạn, muốn phát triển kinh tế tư nhân trong bối cảnh nước ta, trước hết cần làm rõ hơn vai trò của kinh tế nhà nước nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng.

Mọi người đều biết Hiến pháp mới xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đây đó đã giải thích, nhưng với vấn đề cơ bản này, cần sự diễn giải một cách chính thức và rõ ràng bằng văn bản của cấp có thẩm quyền. Chủ đạo ở đây có phải là kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước phải tiên phong, gương mẫu về năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Việc gì tư nhân không thể làm và không muốn làm thì Nhà nước làm. Không phải không có những lo ngại rằng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với nhiều lợi thế đã và đang lấn sân của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cũng về thể chế, cần tạo ra một khuôn khổ pháp luật hướng sự tập trung của các bộ ngành vào nhiệm vụ quản lý nhà nước. Đẩy mạnh cổ phần hóa và xóa cơ chế “bộ chủ quản”, các bộ ngành chỉ làm chính sách và thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật. Có như vậy, những vấn đề về cạnh tranh, chống độc quyền, thuận lợi hóa thương mại mới có cơ hội nảy nở hơn.

Cho dù ngày nay hai chữ doanh nhân đã được gọi trang trọng hơn nhiều so với thời kỳ “đêm trước đổi mới”, tuy nhiên không phải ở đâu và bao giờ khởi nghiệp cũng là một lựa chọn ưu tiên.

Vừa qua báo chí đưa tin một lớp học ở Hà Tĩnh có 45 học sinh thì tất cả đều muốn trở thành cán bộ nhà nước. Một câu chuyện nhỏ nhưng gợi lên nhiều suy nghĩ.

Có dịp đi Hàn Quốc, chúng ta sẽ thấy rằng nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh đi tham quan doanh nghiệp - các thương hiệu tự hào quốc gia như Hyundai, Samsung...

Còn ở ta, các thế hệ lớn lên dưới mái trường đều dễ dàng thấy rằng tinh thần khởi nghiệp chưa thấm đẫm trong môi trường giáo dục.

Rõ ràng muốn lựa chọn con đường đi đến thịnh vượng chung phải bảo đảm được quyền tự do làm kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân và ươm mầm tinh thần khởi nghiệp. Đó là những giá trị đã được minh chứng trên toàn thế giới.

Luật sư TRẦN HỮU HUỲNH 
(chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế VN)

V.V.THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên