27/10/2014 11:45 GMT+7

​Khi đường biến nhà thành hầm

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Nhà đang ở tình trạng thông thương với bên ngoài, bỗng một ngày nọ người đi khỏi nhà có cảm giác chui ra khỏi một căn hầm để lên mặt đất.

Lý do là mặt đường trước nhà đã được nâng lên quá cao so với sàn nhà hiện tại.

Nâng đường, mở rộng đường là các công việc được thực hiện trong khuôn khổ kế hoạch chỉnh trang đô thị, dưới sự tổ chức của nhà chức trách công. Đây là việc làm vì các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, nghĩa là vì lợi ích chung. Sự cần thiết của những việc làm này là không thể tranh cãi.

Nhưng mặt khác, sống trong không gian xã hội, hành vi của người này thường tác động đến người khác. Trong không ít trường hợp, đó là sự tác động tiêu cực. Chẳng hạn, việc mở rộng đường có thể khiến những người sống ở hai bên đường phải chấp nhận mất một phần, thậm chí toàn bộ miếng đất, căn nhà lâu nay vốn là của mình; việc nâng cao mặt đường khiến các sàn nhà ở hai bên đường trở nên thấp hơn, có khi thấp đến mức từ trên đường nhìn xuống, trông nhà giống như căn hầm xây dưới lòng đất.

Theo một nguyên tắc được thiết lập trong luật cơ bản, trở thành một phần nền tảng của xã hội có tổ chức thì mỗi người có quyền theo đuổi lợi ích chính đáng, với điều kiện việc theo đuổi đó không xâm phạm đến lợi ích chính đáng của người khác. Nguyên tắc này áp dụng như nhau đối với mọi chủ thể, không phân biệt Nhà nước hay thường dân, lợi ích đại diện là lợi ích công hay tư, chung hay riêng.

Do có nguyên tắc đó mà một khi hai lợi ích chính đáng ở trong tình trạng xung đột gay gắt đến mức không thể dung hòa thì một mặt sẽ có một lợi ích được lựa chọn, lợi ích kia bị loại trừ; nhưng mặt khác, người đại diện cho lợi ích bị loại trừ phải được đền bù thỏa đáng.

Chính trên cơ sở tư tưởng chủ đạo này mà chế độ đền bù khi thu hồi đất và giải phóng mặt bằng được xây dựng: người có đất bị thu hồi, tài sản gắn với đất bị triệt hạ, di dời, công việc làm ăn bị xáo trộn, dẫn đến thiệt hại thì phải được bồi thường.

Nói chung, những thay đổi theo chiều hướng xấu đi đối với cuộc sống riêng của từng con người, do hệ quả trực tiếp của việc thực hiện các dự án phục vụ lợi ích chung, đều phải được ghi nhận như những tổn thất và người bị thiệt hại có quyền yêu cầu trả lại cho mình những gì đã mất.

Việc nâng cao mặt đường khiến nhà ở bên đường bị đặt vào địa thế bất lợi là một ví dụ về sự thay đổi theo hướng xấu. Chi phí cần thiết cho việc khắc phục sự bất lợi đó, nhằm khôi phục các điều kiện sống bình thường như trước, được coi là tổn thất mà người dân gánh chịu.

Mặt khác, cũng không loại trừ khả năng việc đường sá được mở rộng, cải thiện về chất lượng góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho bất động sản ở hai bên đường và người dân được hưởng lợi từ đó. Cần phải dự kiến đầy đủ và cân phân giữa cái “được” và cái “mất” của người dân bằng những tính toán có cơ sở khoa học và với thái độ mẫn cán, có trách nhiệm. Nếu kết quả cân phân cho thấy cái được không đủ bù cái mất thì phải bù khoản chênh lệch cho người dân.

Nhìn cảnh người dân lom khom “chui” từ nhà mình đi lên mặt đường mới nâng cấp, dễ có cảm giác rằng những “được” và “mất” hình dung như thế đã không được tính đến trong quá trình xây dựng các dự án liên quan. Với những con đường mới được phóng, được mở rộng, nâng cao thì không còn cảnh đường bị ngập nước khi trời mưa lớn, giao thông đỡ ùn tắc.

Tuy nhiên, không thể nói lợi ích chung được thỏa mãn, dù việc đi lại được thông thoáng trên những con đường khô ráo, sạch đẹp, nếu người dân hai bên đường bị bỏ mặc và phải tự loay hoay trong việc tìm cách thích nghi với cuộc sống bên cạnh con đường mới.

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Mở rộng đường