21/10/2014 11:45 GMT+7

​Làm một chỗ dựa

Phạm Vũ
Phạm Vũ

TT - Hôm qua 20-10, ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ VN, Ngày phụ nữ VN. Hoa, quà ngập trên các phố, lời chúc mừng ngập các công sở, gia đình, diễn đàn, trang cá nhân....

Tin tức "Hai mẹ con ôm nhau nhảy cầu tự tử" đăng tải trên nhiều báo online

Và một cái tin dưới góc báo: “Hai mẹ con ôm nhau nhảy cầu tự tử”.

Thay vì phải lặng đi, không tin vào mắt mình, phải kêu lên “tại sao?”, những người đọc báo mẫn cảm nhất lại thốt lên một câu lạ tai: “Lại nữa hả?”.

Vì mới cách đó hai hôm báo đã đăng tin một người mẹ tự tử cùng con, trước đó một tuần cũng có hai tin tương tự. Một diễn đàn phân tích, khuyên giải với các chuyên gia tâm lý, với bao nhiêu ý kiến bạn đọc và chia sẻ của người đồng cảnh đã được đăng tải. Đáp lại, thêm một người mẹ quẫn trí ôm con tự tử.

Bao nhiêu nỗ lực cho bình đẳng giới, phụ nữ vẫn luôn là phụ nữ. Thiệt thòi nhiều hơn, áp lực nhiều hơn và cũng vì thế, cuộc sống trong mắt họ có nhiều phút đen tối hơn.

Phụ nữ nào cũng thích người khác nhìn thấy mình cười rạng rỡ bên những đóa hoa. Nụ cười ấy không có nghĩa là họ không buồn, mà là họ đã biết đi xuyên qua những nỗi buồn.

Với những người phụ nữ tự tử này, đã không còn muốn sống cuộc sống của mình, lại nghĩ thêm rằng cả con mình cũng không thể sống tiếp, họ chắc chắn không chỉ buồn mà còn bế tắc, còn bất lực, còn cô độc trước những khó khăn trùng trùng bủa vây không lối thoát. Và không còn niềm tin.

Hãy nhắm mắt để tưởng tượng cảm giác ấy. Không bờ vai nào đáng tin tưởng để nương tựa. Không nơi chốn nào đáng mong đợi để quay về. Không người nào, cánh cửa nào, tổ chức nào để trông chờ giúp đỡ. Không con đường nào để lựa chọn bước tiếp...

Những người mẹ cắn răng chọn cái chết cùng con ấy chắc đã nhìn cuộc sống xung quanh mình như vậy. Tại sao?

Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, làng xóm, các địa phương, các tổ chức xã hội, trung tâm tư vấn... đông đúc như vậy mà sao vẫn như không có ai, không có gì lúc những ngả đường đời như bị chặn đứng, như đi vào bóng tối? Và khi đó bỗng dưng cái chết lại được lựa chọn.

Chia sẻ, tham vấn khi căng thẳng, áp lực là lời khuyên của các nhà tâm lý, nhưng chia sẻ cũng là một thói quen, một kỹ năng, khả năng cần được tập luyện và lựa chọn nơi nào, người nào để chia sẻ lại cần thêm niềm tin.

Ca mẹ tự tử cùng con xảy ra lần thứ tư trong vòng một tuần đáng để cả xã hội phải giật mình, phải nhìn lại, phải suy ngẫm.

Bên cạnh những lý do từ cá nhân, phải chăng xã hội, mỗi người cũng có trách nhiệm và có thể có giải pháp để góp phần của mình: tập thói quen chia sẻ cho mỗi người; xây dựng, củng cố niềm tin cho những đội, đoàn, hội, nhóm vốn đã được thiết lập sẵn cho các cá nhân từ khi rất nhỏ; chừa sẵn những lối đi, những ánh sáng để đón người bĩ cực...

Nghe thì khó nhưng thật ra cũng dễ: chỉ là tổ chức các hoạt động sâu, sát vào với đời sống, thoát khỏi vòng “cờ đèn kèn trống”; chỉ là chú trọng hơn đến cá nhân để tạo môi trường cho sự cởi mở, sẻ chia; chỉ là bớt đi những thủ tục, những nguyên tắc để hiểu thấu cuộc đời; chỉ là giữ gìn bản thân mình để lúc nào đó có thể làm chỗ dựa cho một người...

Nói vậy thì dễ, mà làm được lại cũng khó.

Ngày 20-10 đã được chọn làm Ngày phụ nữ Việt Nam, lời chúc gửi đến Hội Liên hiệp phụ nữ dịp này, năm nay, nhiều người đọc báo chọn: Hãy là một chỗ dựa cho những người phụ nữ trong phút đen tối của cuộc đời.

Phạm Vũ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên