02/10/2014 10:03 GMT+7

​Đùa... hay thật!

 ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao)
ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao)

TT - Trong cuộc sống, có nhiều lời nói hoặc hành vi chỉ là “đùa một chút”, nhưng không phải lời nói, hành động “đùa” nào cũng gây ra tác hại.

Chuyện bốn học sinh giật mũ của nữ sinh ở Tiên Lãng (Hải Phòng) vừa bị đưa ra xét xử lần thứ ba và bị tòa án phạt tù giam hai trong số bốn em gây xôn xao dư luận - Ảnh: T.L

Vì vậy, khi có lời nói hay hành động “đùa”, người có thẩm quyền phải cân nhắc hành động đó, lời nói đó có gây ra hậu quả cho xã hội hay không, nếu nó vô hại thì nên bỏ qua, nhưng nếu nó gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội thì tùy mức độ mà xử lý.

Chẳng ai tin được quý tử của một chủ đại lý vé số tiếng tăm ở tỉnh T rủ bạn thực hiện gần 20 vụ rạch đùi, rạch mông nữ sinh.

Khi bị bắt, anh ta khai là chúng cháu chỉ “đùa”.

Cũng chẳng ai tin được vợ của một nghệ sĩ được chủ nhà mời cơm, chiêu đãi. Trong lúc chủ nhà không để ý thì lấy luôn điện thoại iPhone 5 của chủ nhà bỏ vào túi, rồi đưa cho người nhà đem lên TP.HCM bán.

Khi bị phát hiện cũng bảo tôi chỉ “đùa”!

Có trường hợp “đùa” thật, nhưng lại gây hoang mang cho hàng trăm người như lên máy bay rồi nói: “Trong vali có bom”, làm cả chuyến bay bị chậm nhiều giờ thì dù đó là “đùa” cũng phải xử lý thật nghiêm!

Chuyện bốn học sinh giật mũ của nữ sinh ở Tiên Lãng (Hải Phòng) vừa bị đưa ra xét xử lần thứ ba và bị tòa án phạt tù giam hai trong số bốn em cũng là chuyện gây xôn xao dư luận.

Cả bốn bị cáo đều khai việc giật mũ chỉ là hành vi “trêu đùa”, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng ở Tiên Lãng thì không nghĩ như vậy.

Cả hai lần xét xử sơ thẩm, tòa án nhân dân huyện đều cho rằng đây là vụ cướp giật và hành vi của bốn bị cáo là hành vi phạm tội.

Xử sơ thẩm lần 1, tòa án đã tuyên phạt các bị cáo từ 18 tháng đến 36 tháng tù; bản án bị cấp giám đốc thẩm hủy, lần xét xử sơ thẩm này tuy có nương tay hơn nhưng tòa án vẫn phạt tù giam hai bị cáo.

Vậy hành vi giật mũ của bốn học sinh có phải là “trêu đùa” hay không, cần phải đánh giá một cách khách quan, toàn diện.

Tại phiên tòa, cả bốn bị cáo đều khẳng định hành vi giật mũ của bạn gái chỉ là trò trêu đùa; chúng cháu chỉ nghĩ đi trên đường trêu gái, thấy các bạn học sinh nữ đi học về trên đường thì giật mũ; do tuổi trẻ bồng bột nên mới nghĩ ra trò giật mũ chứ không hề có ý định cướp tài sản.

Lời sau cùng tại tòa, các bị cáo cũng khẳng định đã nhận thức được hành vi của mình là không đúng và xin tòa xem xét tuyên không phạm tội cướp để được tiếp tục đến trường.

Còn người bị hại khẳng định không hề có ý định khiếu kiện, em chỉ nghĩ rằng các bạn học sinh nam trêu đùa vì khi giật mũ xong các bạn còn quay lại cười. Sở dĩ có lá đơn khiếu kiện ban đầu là vì sau khi xảy ra vụ việc vài hôm, Công an huyện Tiên Lãng đã đến trường học yêu cầu và hướng dẫn em viết đơn.

Với những lời khai của các em tuổi học trò như vậy, tôi tin đây chỉ là hành vi trêu đùa. Từ trước đến nay, chưa thấy trường hợp nào phạm tội cướp giật như vậy cả.

Không hiểu sao Công an, Viện kiểm sát và Tòa án Tiên Lãng cứ cố cho rằng đó là hành vi phạm tội. Không có hành vi phạm tội thì làm gì có vụ án “cướp giật tài sản”.

Phải chăng do đã trót khởi tố, bắt giam hai em rồi nên tòa phải tuyên có tội để “né” bồi thường?

Thiết nghĩ hành vi “cướp giật” này của bốn bị cáo xét về hình thức“tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể nên không phải là tội phạm mà được xử lý bằng các biện pháp khác” (khoản 4 điều 8 Bộ luật hình sự).

Không hiểu sao các cơ quan tiến hành tố tụng ở Tiên Lãng không áp dụng để miễn trách nhiệm hình sự cho các cháu?

Giả thiết, bốn bị cáo trong vụ án này có ý định cướp giật thật và đã thực hiện hành vi cướp giật như các cơ quan tiến hành tố tụng ở Tiên Lãng quy kết thì hành vi này có đáng xử lý hình sự hay không? Các cháu còn quá trẻ, đang tuổi cắp sách đến trường.

“Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm” (khoản 4 điều 69 Bộ luật hình sự).

Xét cả về pháp lý và đạo lý thì việc xét xử và áp dụng hình phạt đối với các cháu là không cần thiết. Mong rằng Tòa án TP Hải Phòng sáng suốt hơn, đừng vì bệnh thành tích hay mất điểm thi đua gì mà kết án bốn cháu.

ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên