30/09/2014 02:11 GMT+7

​Nói không với phí “bôi trơn”

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Có 8 triệu đồng để trả phí “bôi trơn” thì người dân ở một số chung cư tại Hà Nội sẽ được cấp sổ đỏ nhanh.

Khoảng 100 hộ dân mua đất tại khu dân cư Phú Mỹ (Q.7, TP.HCM) chưa được cấp giấy chủ quyền - Ảnh minh họa: Hữu Khoa

Thông tin đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cung cấp có lẽ không lạ đối với những người đã và đang phải đến cửa công quyền làm giấy tờ nhà đất.

Nhưng việc ông Cương công khai phát biểu tại phiên chất vấn bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, “đồng thời gửi đến bộ trưởng Bộ Công an”, thì về bản chất đó là một tin báo tố giác tội phạm.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật không thể làm ngơ trước sự việc này, bởi ngoài thông tin “8 triệu đồng” thì đại biểu Cương còn dẫn chứng rất cụ thể tên các dự án điển hình.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, trong phần trả lời của mình, cũng thẳng thắn thừa nhận có “tiêu cực, nhũng nhiễu” trong cấp sổ đỏ và cho biết tình hình này ở Hà Nội rất phức tạp.

Nhưng phức tạp như thế nào, những tiêu cực xảy ra ở đâu, đã có những tổ chức, cá nhân nào vi phạm bị xử lý chưa thì không có câu trả lời rõ.

Sổ đỏ là một tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà/đất. Với người dân thì nó chỉ thật sự có ý nghĩa khi đem ra giao dịch (mua bán, cho tặng, cầm cố...), còn không thì cũng chỉ là tấm giấy cất trong tủ.

Chính vì vậy, nhiều người chưa có nhu cầu giao dịch đã nói không với phí “bôi trơn”.

Nhà tôi tôi ở, tội gì tôi phải đóng phí “bôi trơn”, phải cầu cạnh rồi chịu ấm ức để được nhận một tấm giấy mà cũng chỉ đem về cất đi.

Thậm chí trong các giao dịch dân sự, vì sợ sự phiền nhiễu, tiêu cực có thể gặp phải khi làm giấy tờ, không ít người dân đã chọn cách mua bán, cầm cố bằng giấy viết tay.

Hậu quả là không ít vụ tranh chấp, thanh toán gây mất trật tự xã hội đã xảy ra đằng sau những giao dịch ngầm như vậy.

Còn với Nhà nước thì sao? Nhà nước không kiểm soát được các giao dịch dân sự liên quan đến nhà đất khi chưa cấp giấy tờ cho dân, nhưng lại phải giải quyết những hậu quả mà các giao dịch như vậy gây ra cho xã hội, đặc biệt với tình hình trật tự trị an. Nhà nước cũng sẽ không thu được khoản lệ phí trước bạ trong trường hợp người dân không mặn mà với sổ đỏ.

Nhưng tại sao lại có “đất” để những kẻ trong “đường dây làm sổ đỏ” làm ăn?

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu ra một nguyên nhân chủ yếu: “Quy định rất mập mờ, quy trình và thời hạn giải quyết rất mập mờ. Khi hỏi chủ đầu tư bao giờ có sổ đỏ, họ nói không biết đến bao giờ; hỏi đầu mối ở đâu để tự liên hệ, họ bảo lên một cửa hỏi. Khi người dân bức xúc, người ta có văn bản lên lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường của Hà Nội thì không nhận được bất cứ câu trả lời nào”.

Vậy là đã rõ: thủ tục hành chính cùng với sự tắc trách là thủ phạm đồng hành với “đường dây” ăn chặn tiền của dân. Để chặt đứt đường dây này, quan trọng nhất vẫn là phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính cho thật sự đơn giản, minh bạch và rõ ràng trách nhiệm của cơ quan công quyền.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên