29/09/2014 08:01 GMT+7

Cuộc chơi không công bằng

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Chủ trương xây dựng một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) được đặt ra từ gần chục năm trước, nhưng vì nhiều nỗi e ngại mà việc này không được đưa vào Luật giáo dục.

Bộ GD-ĐT đưa ra hai phương án tổ chức biên soạn SGK, trong đó có phương án Bộ GD-ĐT vẫn biên soạn một bộ SGK

Cho đến nay, khi “một chương trình, nhiều bộ SGK” đã trở thành xu thế chung của nhiều nước thì chủ trương này mới được bàn lại và đưa vào dự thảo nghị quyết Quốc hội. 

Xã hội hóa viết SGK không chỉ phát huy trí tuệ của nhiều tầng lớp xã hội mà còn là một yếu tố tác động mạnh đến chất lượng dạy và học ở nhà trường phổ thông.

Với thay đổi này, cơ chế “độc quyền” trong việc biên soạn SGK khi giao cho một NXB duy nhất thực hiện, “vừa đá bóng vừa thổi còi” sẽ không còn nữa.

Đó chính là lý do khiến dư luận xã hội, cộng đồng trí thức thể hiện sự đồng thuận cao với chủ trương này.

Khi Bộ GD-ĐT đưa ra hai phương án tổ chức biên soạn SGK, trong đó có phương án Bộ GD-ĐT vẫn biên soạn một bộ SGK, nhiều người đã không khỏi lo lắng vì quan điểm “xóa độc quyền” nửa vời, thói quen... làm sai chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT vẫn chưa thật sự được điều chỉnh.

Thế rồi trong phiên họp Thường vụ Quốc hội thảo luận về tờ trình ban hành nghị quyết của Quốc hội đổi mới chương trình - SGK phổ thông ngày 27-9, bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã giải thích sẽ không trình Quốc hội hai phương án nữa, mà chỉ trình một phương án duy nhất.

Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ là một trong những chủ thể biên soạn SGK. Nếu phương án này được thông qua, Bộ GD-ĐT lại vừa biên soạn, vừa thẩm định.

Tuy người đứng đầu ngành GD-ĐT khẳng định “sẽ cạnh tranh công bằng, sách nào có chất lượng sẽ được chọn”, nhưng rõ ràng ngay từ đầu, cuộc chơi này đã không công bằng.

Sự bất bình đẳng thể hiện ở việc Bộ GD-ĐT với tư cách thường trực về việc đổi mới chương trình - SGK phổ thông, là nơi thẩm định các bộ SGK, nhưng cũng đồng thời là một chủ thể biên soạn SGK.

Bộ GD-ĐT được rót tiền nhà nước để biên soạn, còn các chủ thể khác phải tự lo kinh phí. Bộ GD-ĐT có uy thế để “dán tem bảo đảm” cho bộ SGK của mình, trong khi các tổ chức, cá nhân khác phải tự tìm cách giới thiệu, thuyết phục các trường.

Ai cũng biết “học đi liền với thi cử” trong khi việc thi cử hiện nay cũng do Bộ GD-ĐT đảm nhiệm tổ chức, ra đề thi. Vậy liệu có nhà trường nào, phụ huynh nào mạo hiểm chọn SGK của các chủ thể biên soạn khác không, hay giải pháp an toàn vẫn phải là chọn SGK của bộ?

Một cuộc đua nhìn thấy rõ không công bằng, liệu có thể khuyến khích các tổ chức, cá nhân viết sách không?

Thay vì tập trung xây dựng cơ chế, quy định để tạo một hành lang pháp lý cho việc kiểm soát, quản lý việc thực hiện chương trình - SGK, Bộ GD-ĐT đã và vẫn tiếp tục “ngồi nhầm chiếu” khi chưa toàn tâm cho vai trò quản lý nhà nước của mình.

Phát biểu về khó khăn lớn nhất của ngành GD-ĐT trong công cuộc đổi mới hiện nay, người đứng đầu ngành GD-ĐT từng cho rằng đó là sự trì trệ không chịu đổi mới tư duy. Phải chăng đây là một bằng chứng của sự trì trệ, không chịu đổi mới tư duy?

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên