23/09/2014 09:23 GMT+7

​Luẩn quẩn đổi mới thi cử

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Sau mươi ngày công bố trường ĐH, CĐ được tự chọn môn thi tuyển sinh, nghĩa là không còn ràng buộc về khối thi truyền thống, Bộ GD-ĐT lại vừa yêu cầu các trường sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia.

Thí sinh dự thi cao đẳng năm 2014 tại TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Sử dụng kết quả này để xét tuyển phải tuân thủ cách xác lập tổ hợp môn thi theo các khối thi như lâu nay trước khi nghĩ đến việc đề ra những cách gói ghém môn thi kiểu mới

Sự thay đổi bất ngờ của Bộ GD-ĐT dù được lý giải cặn kẽ là “vì thí sinh”, nhưng vẫn khiến nhiều người thấp thỏm liệu sẽ còn bất ngờ nào nối tiếp?

Khi bộ quyết định sẽ áp dụng một kỳ thi quốc gia duy nhất làm hai nhiệm vụ vừa công nhận tốt nghiệp, vừa làm căn cứ xét tuyển ĐH, đáng lẽ cả thí sinh và phụ huynh phải thở phào nhẹ nhõm vì đã chấm dứt được sự tồn tại song song một cách vô lý của hai kỳ thi quốc gia suốt bao nhiêu năm qua.

Thở phào vì thời điểm sáp nhập hai kỳ thi đã quá chín muồi khi lộ trình đã được đặt ra ngay từ khi khởi động phương án “ba chung” từ hơn 10 năm trước. Thở phào vì những bằng chứng cho sự lãng phí, cồng kềnh, căng thẳng với cả xã hội và mỗi thí sinh từ hệ lụy của việc tổ chức hai kỳ thi quốc gia chỉ cách nhau một tháng đã quá rõ ràng...

Vậy mà kỳ lạ thay, ngay sau quyết định có vẻ quyết đoán của Bộ GD-ĐT, hàng triệu thí sinh, hàng triệu gia đình có con em sắp sửa bước vào kỳ thi tuyển sinh mới lại phập phồng lo âu.

Không thể nói Bộ GD-ĐT không thận trọng cho một quyết sách lớn khi phương án một kỳ thi quốc gia được lựa chọn sau khi tổng hợp ý kiến đến hơn một triệu người, từ giám đốc các sở GD-ĐT, hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ cho đến học sinh phổ thông...

Sự trở lại của khối thi truyền thống có thể làm an lòng nhiều thí sinh đang thấp thỏm không biết trường mình dự thi có xáo trộn gì về môn thi không - nhưng đã làm lộ ra những phán quyết vội vàng cho một chủ trương lớn của ngành giáo dục.

Cứ như con lắc quán tính xoay đều giữa hai trục đổi mới và truyền thống, nền giáo dục sẽ đi về đâu trong một chiến lược chẳng mấy rành mạch, rõ ràng? Cứ vo tròn, an toàn tránh đụng chạm, con đường vòng đổi mới giáo dục sẽ còn chậm chạp và không biết bao giờ mới tới đích.

Ông bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải từng đứng trước bao nhiêu áp lực dư luận mà ông tâm sự “có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua” để dần dần bằng sự quyết đoán, bằng kết quả công việc đã thuyết phục được dư luận về các quyết sách của mình.

Với ngành giáo dục, một lĩnh vực không kém phần nóng bỏng, lại cần chiến lược dài hơi của sự nghiệp “trăm năm trồng người”, kết quả càng không phải làm đã thấy ngay.

Có vị lãnh đạo ngành giáo dục từng nhấn mạnh “người dân phải tin vào ngành giáo dục”, nhưng vấn đề lại là giáo dục phải làm gì để người dân tin?

Khi những người đứng mũi chịu sào ngành giáo dục chưa cho phụ huynh thấy quyết tâm và bản lĩnh đổi mới tới cùng của mình, thì niềm tin vẫn là một phạm trù xa vời ở phía tương lai và công cuộc đổi mới vẫn bập bênh ở những nhịp cầu nửa vời, luẩn quẩn mãi, chưa đổi thay được.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên